Tay chân miệng có liên quan với dịch Lở mồm long móng?

(Dân trí) - Bệnh Lở mồm long móng (LMLM) có thể bị nhầm lẫn với bệnh Tay chân miệng (TCM) (Hand, foot, and mouth disease-HFMD), và bị đổi tội “oan” là gây bệnh trên người.

Ở nước ta, do thiếu thông tin, khi bệnh Lở mồm long móng (LMLM) đang hoành hoành, một số bộ phận người dân ở Hà Bắc, Lào Cai đã hoang mang, cho rằng bệnh LMLM chính là bệnh TCM có thể gây nguy hiểm cho người, dẫn đến những thái độ và hành vi thái quá trong việc xử lý, đối phó với bệnh LMLM, làm tình hình thêm phức tạp. Trên thực tế đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau.

 

Mặc dù hai bệnh đều có dấu hiệu đặc trưng là hiện tượng sốt và hình thành mụn nước ở da vùng miệng, chi và vi rút gây bệnh đều thuộc nhóm Picornavirus. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu hơn, hai bệnh này có các nguyên nhân gây bệnh hoàn toàn khác nhau, bệnh LMLM do Foot and Mouth Disease Virus, còn bệnh tay chân miệng lại do enterovirus gây ra.  Ngoài ra, về đặc điểm dịch tễ học hai bện này cũng rất  khác biệt, bệnh Tay chận miệng là bệnh xảy ra trên người còn bệnh Lở mồm long móng lại chỉ xảy ra trên các loài động vật guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê cừu, hươu nai…

 

Với sức nóng, vi rút LMLM dễ bị tiêu diệt. Ở 30-37oC, vi rút sống được 4-9 ngày, ở 70oC, vi rút chết sau 5-10 phút. Nhìn chung vi rút mẫn cảm với nhiệt độ nhưng không nhạy cảm với độ lạnh. Trong xác chết, do sự a xít hóa của cơ thể nên vi rút bị mất hoạt tính rất nhanh, nhưng vẫn tồn tại lâu trong máu, tuỷ xương, hạch lâm ba và phủ tạng. Vi rút có thể sống lâu trong sữa tươi và một vài sản phẩm sữa. Trong tự nhiên trâu bò, lợn, dê, cừu nhà và rừng; voi, lạc đà, hươu, nai, hoẵng, nhím đều mắc bệnh LMLM. Trâu bò mắc nặng hơn cả. Ngựa và các loài chim không bị lây nhiễm.
 
Chưa có thông tin cho thấy người mắc bệnh LMLM.

 

Chu Đình Tới
Giảng viên khoa Sinh học
ĐH Sư phạm Hà Nội