Tập luyện ngày thu

(Dân trí) - Để có một cơ thể khỏe mạnh và một vóc dáng cân đối, bạn không cần phải đăng kí các khóa tập luyện hàng ngày ở các trung tâm thể dục bởi thời tiết trời mát mẻ là cơ hội thích hợp để bạn ra ngoài kết hợp giữa vận động và thư giãn.

1. Leo núi

 

Leo núi vẫn được coi là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe hiệu quả. Bên cạnh tác dụng duy trì sức khỏe, nó còn giúp cho người tập tăng cường lưu thông khí huyết, tăng khả năng tuần hoàn máu, lưu thông máu lên não, giúp ta thoát khỏi sự căng thẳng mệt mỏi hàng ngày vv…  

 

Mùa thu, thời điểm chuyển giao giữa cái nóng và cái lạnh và sự thay đổi trong phương thức luyện tập có tác dụng tốt đối với tâm sinh lý của cơ thể, nâng cao khả năng thích ứng với sự thay đổi của thời tiết.

 

Khi leo núi, cùng với việc tăng dần độ cao thì các phân tử trong bầu khí quyển cũng như “vigara không khí” tập trung càng nhiều, cộng thêm áp suất giảm, sẽ tạo ra một loạt những thay đổi về chức năng sinh lý trong cơ thể bạn. Điều này đặc biệt có tác dụng đối với những bệnh nhân đường hô hấp.

 

Ngoài ra leo núi còn có khả năng làm giảm lượng đường trong máu, tăng số lượng hồng cầu và bạch cầu trong cơ thể vv…

 

Dù được coi là môn thể thao của mọi người nhưng đối với người lớn tuổi, thể trạng sức khỏe không tốt, cần chú ý không nên leo núi vào khoảng thời gian mà sự chênh lệch về nhiệt độ lớn nhất, vào lúc sáng sớm và chiều tối.

 

Trong quá trình leo, cũng không cần leo với tốc độ quá nhanh, nên giữ vận tốc trung bình, sao cho kết hợp được giữa vận động và hít thở đều đặn.

 

Một điểm cần lưu ý nữa là nên chú ý đến nhiệt độ của cơ thể và môi trường, để có biện pháp giữ ấm hoặc cởi bớt áo nếu đổ mồ hôi quá nhiều.

 

2. Chạy bộ

 

Chạy bộ cũng là một trong những môn thể thao lý tưởng của mùa thu. Chạy bộ thường xuyên giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện chức năng tim mạch. Chạy bộ còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, giảm béo. Đặc biệt đối với người cao tuổi, chạy bộ giúp giảm béo phì và co cơ do ít vận động, làm chậm quá trình lão hóa, giảm lượng cholesterol và xơ cứng động mạch.

 

Các nghiên cứu khoa học gần đây cũng cho thấy, những người thường xuyên chạy bộ có tỉ lệ mắc ung thư ít hơn so với người bình thường.

 

Trong quá trình chạy bộ, bạn cũng nên kết hợp giữa chạy bộ và hít thở không khí trong lành. Vì nếu bạn chạy bộ ở những nơi ô nhiễm, không những không phát huy tác dụng mà còn ảnh hưởng đến thần kinh và các giác quan. Nếu có điều kiện bạn nên ra ngoài chạy bộ, thay vì chạy máy tập trong nhà.

 

Việc dành ra từ 1-2 tiếng để ra ngoài hít thở không khí, và kết hợp chạy bộ trong 40 phút không những giúp bạn tăng cường sức khỏe, tinh thần sảng khoài, mà còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

 

3. Tắm nước lạnh

 

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng tắm nước lạnh cũng là một môn thể thao giúp rèn luyện cơ thể rất tốt, nhất là khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp. Nước lạnh ở đây, được hiểu là nước có nhiệt độ từ 5 - 20oC.

 

Những tác dụng từ việc tắm nước lạnh có thể nhìn thấy rõ như: tinh thần sảng khoài, đầu óc minh mẫn, tiếp đến nó tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lại bệnh tật. Ngoài ra, nó còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa trị 1 số bệnh như đầy hơi, viêm dạ dày mãn tính vv...

 

Ngoài ra, có thể dùng nước lạnh để rửa mặt, gội đầu, rửa chân tay.

 

Việc tắm nước lạnh cũng nên có những phương pháp cụ thể. Ban đầu khi mới tập luyện, bạn nên tắm ở nhiệt độ nước khoảng 20oC, sau đó giảm dần dần xuống đến 5oC. Nếu tắm nước dưới 5oC, cơ thể rất dễ bị bỏng “lạnh”. Quá trình giảm nhiệt độ nên diễn ra từ từ, tùy theo sự thích nghi của cơ thể từng người, sao cho sau khi tập luyện, bạn không còn cảm thấy quá lạnh khi tắm nước lạnh vào mùa đông nữa.

 

Thời gian tắm cũng không nên quá lâu. Khi mới tập tắm nước lạnh, nếu chưa quen, bạn cũng có thể bắt đầu bằng việc lấy khăn thấm nước lạnh để lau người. Các nhà khoa học cũng khuyến khích việc tắm bằng nước khoáng tự nhiên vì nó có những tác dụng rất tốt đối với cơ thể.

 

Lan Thu

Theo HQL