Tâm thần vì… quá lo lắng

Trước cổng Bệnh viện Tâm thần TPHCM, chị Ng.K.M, một doanh nhân thành đạt khoảng tuổi 35, ngập ngừng bước xuống chiếc xe bốn chỗ bóng loáng đời mới. Chị e ngại cũng phải vì ai đặt chân vào bệnh viện tâm thần đều rất sợ bị cho là “tưng”, là bị…điên!

Tâm thần vì… quá lo lắng - 1

Ảnh minh họa
Thật ra, rối loạn tâm thần là một khái niệm rộng, không có nghĩa là điên khùng, mất trí, mà bao gồm các rối loạn về cảm xúc (lo âu, trầm cảm), về tư duy (ám ảnh, hoang tưởng), về hành vi (ăn, ngủ, tình dục) và trí nhớ. Do vậy, không nên hiểu sai về bệnh này vì có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội được điều trị tốt nhất theo đúng chuyên khoa.

 

Bị tâm thần lại trị tim mạch!

 

Chị M. sống trong một gia đình ấm cúng, bên người chồng chu đáo và hai con ngoan. Điều khiến chị phải bận lòng trong 10 năm qua là do mắc chứng hồi hộp, tim đập nhanh.

 

Chị M. đã mắc chứng này từ khi sinh con thứ hai. Mặc dù công việc của chị không có trở ngại nào, khá thuận lợi và rất phát triển nhưng chị vẫn thường xuyên có cảm giác lo âu, rối loạn nhịp tim kéo dài và những cơn hồi hộp, đánh trống ngực đã khiến chị phải nhiều lần đi cấp cứu. Sự lo âu, đặc biệt là sợ đi xa vì lo rằng sẽ không được cấp cứu kịp thời, khiến chị bỏ lỡ nhiều chuyến làm ăn với đối tác nước ngoài.

 

Chị đã khám tại vài bệnh viện với các bác sĩ tim mạch, được thực hiện nhiều xét nghiệm nhưng đều không phát hiện có một rối loạn bất thường đáng kể nào, ngoại trừ kết luận nhịp tim nhanh trên điện tim đồ. Chị đã được chẩn đoán với một vài tên bệnh như: rối loạn nhịp xoang nhanh, rối loạn thần kinh tim, cường giao cảm; và mỗi ngày phải dùng thuốc điều hoà nhịp tim.

 

Để cải thiện sức khoẻ và tinh thần, chị M. còn tập yoga nhưng… biểu hiện lo âu, hồi hộp vẫn tái diễn vài ba lần một tuần, mỗi lần có thể kéo dài 15 - 30 phút. Nếu chị dùng thuốc ngay khi bắt đầu hồi hộp thì thời gian có triệu chứng sẽ rút ngắn hơn.

 

Cách nay một năm, có người bạn đề nghị chị đi khám tâm thần, nhưng chị bác ngay: mình có bị “tưng” đâu mà phải đến đó. Sau đó, chị lại phải vào cấp cứu ở một bệnh viện chuyên khoa tim mạch và bác sĩ đã khuyên chị đến khám tại chuyên khoa tâm thần.  

 

Sau khi khám và phỏng vấn chị M., bác sĩ tâm thần kết luận chị bị rối loạn lo âu. Bệnh của chị do tích lũy nhiều yếu tố về mặt sinh lý, tâm lý và xã hội như suy nghĩ phải chăm sóc tốt hai con nhỏ, tâm lý sợ xấu của phụ nữ sau khi sinh con và cả sức ép công việc kinh doanh. Ngoài ra, còn có nguyên nhân y tế là điều trị không thích hợp khiến bệnh kéo dài.

 

 

Chị được cho dùng một loại thuốc chống lo âu, thuốc điều hoà nhịp tim được cho ngừng sử dụng. Bác sĩ cũng khuyên chị nên tập đi bộ hơn là tập yoga. Sau hai tuần, chị đến tái khám với vẻ rất tự tin.

 

Chị đã có thể đi bộ 30 phút mà vẫn thấy khoẻ và không cần dùng thuốc điều hoà nhịp tim, điều mà chị đã từng “mơ” trong nhiều năm qua. Trong suốt hai tuần chị hoàn toàn không có một lần tái diễn cơn lo âu hồi hộp và sắp tới đây, chị có thể yên tâm chu du ra nước ngoài làm ăn.

 

Triệu chứng dễ nhận biết, điều trị không khó

 

Trong thực tế, những trường hợp tương tự như chị M. rất nhiều, nếu sớm được điều trị đúng chuyên khoa sẽ giảm rất nhiều tốn kém về thời gian và tiền bạc cho người bệnh.

 

Những biểu hiện bệnh thường gặp cũng rất dễ nhận biết, có biểu hiện lo âu tâm lý và một hoặc nhiều biểu hiện về cơ thể  như hồi hộp, khó thở khi nghỉ ngơi, đau đầu, khó chịu dạ dày, hay mắc tiểu, mất ngủ, kém tập trung,…mà không thể giải thích được thông qua việc khám lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán khác.

 

Việc điều trị cũng không mấy khó khăn, bác sĩ sẽ cho dùng các loại thuốc chống lo âu. Bác sĩ đã ghi toa cho chị M. dùng hai loại thuốc sertraline (Zoloft) và etifoxine (Stressam). Trường hợp như chị M., sau khi dùng thuốc 1-2 tuần, hoặc chậm hơn 1-2 tháng, sẽ thấy có hiệu quả và các triệu chứng giảm nhiều.

 

Sau đó, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục dùng thuốc để củng cố kết quả. Tùy trường hợp, có thể dùng thuốc kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm để tránh tái phát. Có nhiều loại thuốc chống lo âu, tùy theo trường hợp cụ thể, bác sĩ cho kê toa cho sử dụng.

 

Lời của bác sĩ

 

Bệnh của chị M. đã được phát hiện sớm nhưng không được chẩn đoán đúng nên không có điều trị thích hợp. Tiếc là, hiện nay tình trạng này vẫn còn phổ biến, do nhận thức của người bệnh lẫn bác sĩ chưa đúng về bệnh tâm tầhn Tình trạng bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của chị M. Bên cạnh đó, còn phải chi phí rất nhiều cho mỗi lần đi khám và làm các xét nghiệm kiểm tra. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến người thân trong gia đình vì chị M. cứ phải đi cấp cứu nhiều lần.

 

Để không quá âu lo trong cuộc sống, cần xây dựng lối sống điều độ, lao động và nghỉ ngơi phù hợp; ăn, ngủ, giải trí, tập thể dục thể thao thích hợp; tránh các stress không cần thiết.

 

Trong trường hợp như chị M., việc phát hiện và điều trị cũng…“phước chủ may thầy”. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu bất thường về tâm lý, cần chủ động đi khám bệnh theo đúng chuyên khoa tâm thần.

 

Đặc biệt, khi “thấy” trong người có bệnh về các chuyên khoa khác, đã khám và được chẩn đoán - điều trị rồi nhưng bệnh không thuyên giảm, cũng cần đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để kiểm tra và điều trị nếu được phát hiện có bệnh về chuyên khoa tâm thần.

 

Theo BS Lê Hiếu

Người lao động