Tai nạn thường gặp ở trẻ hiếu động

Trong độ tuổi mẫu giáo, trẻ rất dễ gặp tai nạn do đặc tính hiếu động. Nhiều trường hợp chỉ đùa nghịch cắn nhau mà có thể gây nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến tử vong. Có em bị vấp ngã vục mặt vào chậu nước, song không tự đứng dậy được và cuối cùng đã chết.

Theo đặc điểm của tuổi mẫu giáo mà trẻ dễ bị các tai nạn sau:

 

- Ngã: do sàn nhà (nhất là nhà vệ sinh) quá trơn; bậc cao gây vấp, cầu thang và ban công có tay vịn, lan can không an toàn. Đôi khi trẻ chưa ý thức được sức mạnh, xô đẩy nhau ngã gây chấn thương.

 

- Hóc dị vật: những vật nhỏ lọt vừa miệng như viên bi, quả nho, con xúc xắc...

 

- Bỏng: do nước sôi, thức ăn, bếp điện, than tổ ong...

 

- Điện giật: trẻ hiếu kỳ rất thích thọc ngón tay hoặc que nhọn vào ổ điện. Đôi khi các em bò hoặc dẫm phải dây điện bị hở của thiết bị gia dụng.

 

- Đuối nước: phần lớn là bị trượt ngã vào bồn tắm, hoặc ngã úp mặt vào chậu nước không tự đứng dậy được...

 

- Ngộ độc: do thức ăn nhiễm khuẩn hoặc uống thuốc quá liều, đôi khi trẻ vớ phải lọ thuốc của người lớn trong tầm tay và uống.

 

Biện pháp phòng tránh

 

- Không để trẻ chơi và ăn một mình, không cho đồ chơi cho vừa miệng và vật nhọn có góc cạnh. Không nên cố gắng cho ăn khi đang khóc, cười hoặc nói. Không cho ăn thức ăn khô, trái cây còn hột, tôm cua cá còn xương...

 

Một điều đáng nói là rất nhiều phụ huynh cho con ăn theo kiểu cưỡng ép. Trong bữa ăn, người lớn làm mọi cách cho trẻ há miệng và lập tức tống muỗng cơm vào miệng trẻ, bất kể các em đang cười hay khóc. Việc làm này rất nguy hiểm vì dễ gây hóc nghẹn thức ăn. Nếu trẻ đang cười thì thức ăn lọt vào đường thở, còn nếu đang khóc thì sẽ bị sặc.

 

- Trẻ thường hóc dị vật đường thở và đường ăn. Trong đó, hóc đường thở nguy hiểm hơn vì sẽ gây nghẹt thở và dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp hóc đường ăn, dị vật chèn ép thực quản làm trẻ khó nuốt và bị ói khi ăn.

 

Khi bị hóc dị vật nên cho trẻ nằm đầu thấp và đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời xử lý. Tuyệt đối không tự ý móc dị vật ra vì sẽ làm cho dị vật lọt sâu hơn, gây nguy hiểm tính mạng.

 

- Ngoài ra, mọi thiết kế trong nhà và nhà trẻ như khu vệ sinh, ổ cắm điện, cầu thang, sàn bậc... phải được tính đến yếu tố an toàn. Các vật dụng và đồ chơi phải tròn nhẵn, không nhọn sắc, kích cỡ không gây hóc nghẹn.

 

 - Đặc biệt, người trực tiếp trông giữ trẻ phải được đào tạo có bài bản về các biện pháp sơ cứu và xử trí tại chỗ. Ngoài ra, nhà trẻ luôn phải dự phòng các thiết bị y tế và dược phẩm trong trường hợp khẩn cấp.

 

Theo VnExpress