Tai biến sản khoa: Ngành y đang dần khắc phục

(Dân trí) - Tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Giảm thiểu các tai biến trong y khoa”, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc BV TƯ Huế và BS Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc BV Sản Nhi Ninh Bình đã thẳng thắn trao đổi về vấn đề này.

Cần nhìn nhận trên tổng thể


 

Cần nhìn nhận trên tổng thể

                                                             

Nhìn nhận về các ca tai biến sản khoa trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định đúng là có nhiều tai biến sản khoa nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì nước ta đã có nhiều tiến bộ, được thế giới đánh giá cao.

 

Cụ thể Việt Nam được đánh giá là 1 trong 9 nước tiến bộ nhất Châu Á. Riêng về nạo phá thai, nếu ở châu Phi, cứ 10 ca nạo thai có 1 ca tử vong, thì tại Việt Nam, có khoảng 2 triệu ca nạo thai trong 1 năm nhưng rất ít tử vọng.

 

Về việc báo chí thống kê có gần 200 trường hợp tử vong mẹ từ năm 2012 đến nay, Thứ trưởng cho rằng con số này quá ít so với thực tế và chúng ta sẽ phải vài chục năm nữa mới đạt được con số ấy. Và cần lưu ý là cách đây 10 năm, tai biến sản khoa cao gấp 3 lần hiện nay.

 

Về tai biến sản khoa chủ yếu là thuyên tắc ối, Thứ trưởng cho rằng, do ngành y đã làm chủ và giải quyết được phần lớn các tai biến sản khoa như uốn ván rốn, sản giật… trong khi thuyên tắc ối rất khó chữa nên việc các ca tai biến sản khoa tập trung vào 1 số ít nguyên nhân là điều dễ hiểu và chủ yếu là do bất khả kháng. PGS.TS Viết Tiến cũng cho biết, ông khá bất ngờ khi trong đợt đi kiểm tra tại các tỉnh phía Nam vừa qua đã nhận được báo cáo của 10 trường hợp tử vong do uốn ván rốn, một tai biến sản khoa mà ông cho là đã bị xóa xổ nhờ công tác tiêm phòng.

 

Phải giảm tải và nâng chất lượng đào tạo

 

Cũng tại buổi tọa đàm diễn ra tại Cổng thông tin điện tử chính phủ này, cả 3 khách mời đều khẳng định: “Tai biến trong y khoa là điều không ai mong muốn và rất khó tránh”.

 

Tuy nhiên, khi đi sâu vào nguyên nhân, mỗi khách mời lại đưa ra 1 góc nhìn riêng.

 

Theo GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, một trong những nguyên nhân dẫn tới các tai biến trong y khoa là do tình trạng quá tải bệnh viện.

 

“Việc có 2-3 bệnh nhân nằm điều trị trên cùng 1 giường bệnh ở nhiều bệnh viện hiện nay sẽ gây áp lực rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Bởi khi bệnh viện quá tải cũng có nghĩa là thời gian khám chữa bệnh của bác sĩ đối với bênh nhân sẽ bị rút ngắn, kiến thức y khoa không đạt yêu cầu.

 

Không những thế việc quá tải bệnh viện còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong bệnh viện. Và việc không kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn đó cũng dễ dẫn tới các tai biến trong y khoa”, GS,TS Bùi Đức Phú giải thích.

 

Còn với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, một mặt ông nhận định áp lực quá tải ảnh hưởng đến chất lượng điều trị do có thể tiêm, uống nhầm hoặc nhầm phác đồ điều trị do bệnh nhân nằm ghép giường trùng tên nhau…. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “nếu bác sĩ sử dụng những kiến thức cũ, lỗi thời thì cũng rất dễ xảy ra tai biến”. Do đó, theo Thứ trưởng, với cơ cấu bệnh tật thay đổi như hiện nay, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thiểu những khó khăn trong chẩn đoán, điều trị, bác sĩ phải cập nhật kiến thức hàng ngày, hàng giờ. “Bác sĩ phải có tâm, có tầm và thường xuyên trau dồi nghề nghiệp chuyên môn, khi đó mới mong hạn chế được tai biến y khoa”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

 

Ủng hộ cả 2 ý kiến trên, bác sỹ Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc BV Sản Nhi – Ninh Bình bổ sung thêm nhận định: chất lượng đào tạo bác sỹ hiện nay cũng có vấn đề.

 

“Nếu như ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc đào tạo bác sĩ phải diễn ra 10 đến 15 năm, thì ở Việt Nam chỉ đào tạo có 6 năm... Tôi cho là chưa phù hợp với yêu cầu chung”, bác sĩ Cầm Kỳ dẫn chứng.

 

Chưa thống nhất cách giải quyết khi tai biến xảy ra

 

Mặc dù có quy định của Bộ Y tế là phải thành lập Hội đồng chuyên môn tại chính bệnh viện xảy ra tai biến để xem lỗi ở đâu và xử lý theo đúng quy định. Và nếu bệnh nhân thấy chưa thỏa đáng thì tiếp tục kiến nghị lập hội đồng chuyên môn trên Sở, Bộ Y tế để giải quyết và tìm nguyên nhân gây tai biến. Và việc tìm ra nguyên nhân này là để rút kinh nghiệm, phòng ngừa cho những trường hợp về sau.

 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trong những ca tai biến gần đây, báo chí dường như mới chỉ đưa tin theo hướng gây sức ép cho bác sĩ, bệnh viện mà chưa chú ý tới yếu tố chuyên môn. Cụ thể, người nhà thường đổ lỗi và buộc tội cho cá nhân bác sĩ. Trong khi , thực tế cho thấy nhiều vụ tai biến lỗi chưa hẳn đã xuất phát từ phía bác sĩ. Ông Viết Tiến lấy ví dụ: bác sĩ dặn bệnh nhân là không được ăn để tránh biến chứng nôn sặc khi gây mê. Tuy nhiên, bệnh nhân vì quá đói vẫn ăn và vô tư trả lời bác sĩ là không ăn khi bác sĩ chuẩn bị tiến hành gây mê… để rồi xảy ra biến chứng.

 

Còn GS.BS Bùi Đức Phú lại cho rằng “Khi xảy ra tai biến lãnh đạo BV thường tìm lỗi cá nhân mà không suy xét đến lỗi của tập thể. Trong khi để tai biến xảy ra chính là do lỗi của hệ thống, do lãnh đạo BV không đưa an toàn BV lên hàng đầu, thiếu tập huấn và trang thiết bị an toàn. Y học chứng cứ cần được tuân thủ, và cần đầu tư trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Do đó, để giảm tai biến y khoa, vì an  toàn của người bệnh, lãnh đạo các bệnh viện nên ưu tiên hàng đầu vấn đề này.

 

Cần công bằng với các nhân viên y tế, nếu sai sót thì cần xem lại lỗi hệ thống. Cần dân chủ, các nhân viên được phép có chính kiến, tham gia phát biểu. Và cần có thói quen làm việc theo nhóm, biết hoạch định, giám sát và thực hiện”.

 

Một vấn đề nóng được tranh luận là tiền đền bù hay tiền hỗ trợ bệnh nhân được lấy từ đâu?

 

Theo thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, hiện chưa có luật nào quy định lấy tiền nhà nước đền bù cho bệnh nhân sau các ca tai biến y khoa mà là lấy từ quỹ do các bác sĩ trong bệnh viện nộp vào.

 

Tuy nhiên, GS Bùi Đức Phú cho rằng chỉ nên gọi là tiền hỗ trợ bệnh nhân và quỹ do bệnh viện lập ra nhằm hỗ trợ bệnh nhân nghèo chứ không nhằm hỗ trợ cho các ca tai biến.

 

Kết thúc buổi tọa đàm, lãnh đạo Bộ Y tế Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế đang xem xét, rà soát ngành nào tai biến nhiều nhất để tầm soát và có những chiến lược để giảm thiểu những tai biến đến mức thấp nhất như đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường tư vấn cho người bệnh, vì hiện nay  bệnh nhân thường không được tư vấn đầy đủ, bác sĩ thiếu kinh nghiệm tiếp xúc và kinh nghiệm nghề nghiệp. Ngoài ra, để giảm thiểu số ca tai biến sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: giảm tải bệnh viện, chấn chỉnh y đức, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của bệnh nhân, cải tiến quy trình khám chữa bệnh…

 

Trần Phương