Tai biến liên quan đến vắc xin tại Việt Nam thấp hơn thế giới

(Dân trí) - Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam ghi nhận 55 ca phản ứng nặng sau tiêm chủng, trong đó xác nhận 17 trường hợp có thể liên quan đến tiêm chủng. Tuy nhiên, tiêm chủng đã giúp hàng triệu em bé thoát khỏi nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Lợi ích…

“Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) chính thức triển khai ở VN từ năm 1985 với việc tiêm chủng 6 loại vắc xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em bao gồm: lao, bạch hầu- ho gà- uốn ván, bại liệt và sởi. Đến nay, chương trình TCMR đã triển khai tiêm miễn phí 11 loại vắc xin phòng bệnh. Trong hơn 25 năm qua, VN đã đạt và duy trì một số thành quả trong việc thanh toán, loại trừ, giảm số mắc và tử vog của các bệnh trong TCMR và nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng”, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi họp báo Thành quả 25 năm TCMR ở Việt Nam diễn ra chiều 14/12 tại Hà Nội.
 
Vắc xin đã giúp hàng chục triệu trẻ em giảm nguy cơ mắc những bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: H.Hải
Vắc xin đã giúp hàng chục triệu trẻ em giảm nguy cơ mắc những bệnh lý nguy hiểm. Ảnh: H.Hải

Theo đó, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, được quốc tế công nhận đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh 5 năm sau đó. Tỉ lệ trẻ mắc sởi năm 2011 giảm 182 lần so với năm 1984 và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi với số mắc nhỏ hơn 1/1 triệu dân vào năm 2012.

“Thực tế, trong năm 2012 cả nước mới ghi nhận 5 ca xét nghiệm huyết thanh có dương tính với vi rút sởi”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết.

Năm 2010, kết quả điều tra huyết thanh học cho thấy tỉ lệ mang vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi khoảng 2% và tiến tới giảm tỉ lệ này xuống dưới 1% trong tương lai. Năm 2010, tỉ lệ mắc ho gà giảm xuống còn 0,1/100.000 dân. Từ năm 2006 đến nay, không có ca tử vong nào do ho gà, không để xảy ra dịch bệnh ho gà.

Tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi đã giảm hơn 1 nửa sau 20 năm.

… Và tai biến!

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được đó, vẫn có những ca phản ứng nặng liên quan đến tiêm chủng khiến không ít người dân hoang mang.

Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam ghi nhận 55 ca phản ứng nặng phải nhập viện sau tiêm chủng. Cụ thể năm 2009 có 10 ca tai biến nặng, 7 ca tử vong nhưng chỉ có 3 ca trong số đó được xác định có liên quan đến tiêm chủng.

Năm 2010 có 16 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm phải nhập viện, 10 tử vong và xác nhận có 7 ca không liên quan đến tiêm chủng.      

Năm 2011 có 17 trường hợp sau tiêm chủng phải nhập viện, 10 tử vong và đã xác định 13 ca không liên quan tiêm chủng. Năm 2012 có 12 trường hợp phản ứng nặng phải nhập viện, 9 ca tử vong, xác định chỉ 1 ca có thể liên quan đến tiêm chủng.
 
“Như vậy, từ năm 2009 đến nay Việt Nam ghi nhận 55 ca phản ứng nặng sau tiêm chủng, trong đó xác nhận chỉ 17 trường hợp được kết luận có thể có liên quan đến tiêm chủng, còn lại là không liên quan. Trong khi đó, liên quan đến tiêm chủng ở đây có thể có rất nhiều lý do, từ phản ứng cơ thể quá mẫn, cơ thể kích ứng với kháng nguyên lạ…”, TS Hiển nói.

“Người dân phải hiểu bản chất của những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm này, vì nếu không hiểu sẽ hoang mang, sẽ e ngại tiêm vắc xin và trẻ em sẽ không được bảo vệ trước những bệnh lý nguy hiểm này. Ví như với bệnh viêm phổi, viêm màng não do Hip, tại VN, năm 2000, Hib gây ra 625 trường hợp viêm màng não, 107.565 trường hợp viêm phổi nặng. Tỷ lệ tử vong có thể từ 5-10% đối với những trẻ bị viêm màng não do Hib và để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động…”, một cán bộ y tế dự phòng chia sẻ.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, năm 2007, tại Việt Nam xảy ra một loạt phản ứng sau tiêm có liên quan đến viêm gan B và đã có kết luận, vắc xin viêm gan B thời điểm đó không có liên quan gì đến các trường hợp nặng tai biến sau tiêm chủng. Nhưng cũng chính vì những tác động đó, tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ 24h sau sinh đã giảm đáng kể.

Cũng theo GS Hiển, tỉ lệ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng hiện nay tại VN, như viêm gan B là 0,50/1 triệu. Với vắc xin uốn ván một mình kết hợp với bại liệt thì tỉ lệ phản ứng nặng là 0,90/1 triệu. So với phản ứng mà Tổ chức y tế thế giới thống kê và quy định thì tỉ lệ phản ứng nặng ở VN thấp hơn rất nhiều. Ví như tỉ lệ phản ứng nặng do vắc xin viêm gan B mà WHO đưa ra là 1 - 2/triệu, vắc xin sởi là trên 1/triệu.

“Phản ứng này nằm trong giới hạn cho phép, trong khi đó, không vắc xin nào an toàn 100%. Quan trọng nhất chúng ta phải quan tâm đến lợi ích và nguy cơ. Chúng ta tiêm vắc xin và hàng chục triệu trẻ em phòng được rất nhiều bệnh nguy hiểm, hay trước một ca phản ứng nặng do cơ thể quá mẫn cảm với vắc xin (do cơ địa phản ứng với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin) mà ngừng tiêm chủng?”, GS Hiển bày tỏ.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Nhờ tiêm chủng mà tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã giảm hàng trăm lần. Tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm một nửa. Chúng ta đã thanh toán được nhiều bệnh lý nguy hiểm như uốn ván sơ sinh, ho gà và tiến tới loại trừ sởi trong năm 2012… Những điều đó cho thấy ý nghĩa to lớn của TCMR và Bộ Y tế sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho TCMR, nâng cao chất lượng TCMR để trẻ em được bảo vệ tốt nhất trước các bệnh lý nguy hiểm này nhờ vắc xin.

Hồng Hải