Sự thật về máy xét nghiệm ung thư trong… 20 phút

(Dân trí) - “Chỉ mất 20 phút, người bệnh sẽ biết mình có dấu ấn bị ung thư hay không nhờ hệ thống máu xét nghiệm máu hiện đại lần đầu tiên có ở miền Bắc”. Thông tin trên gây ngạc nhiên và bất ngờ với nhiều người đọc, nhưng với các nhà chuyên môn, đó chỉ là những lời quảng cáo.

Thông tin mập mờ

 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần y học Rạng Đông, loại máy Advia Centaur mà công ty nhập về thì các bác sĩ có thể nhận biết được dấu ấn ung thư vì khi trong cơ thể con người có tế bào ung thư phát triển thì phần lớn các chỉ số đó trong máu sẽ tăng cao hơn mức bình thường. Vì vậy, ông kết luận: "Xét nghiệm này (xét nghiệm tại Trung tâm - PV) rất có giá trị để phát hiện dấu ấn ung thư”.

 

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K khẳng định: “Không có loại máy nào có thể chẩn đoán được tất cả các bệnh ung thư trong vòng 20 phút”. Bởi nếu chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm chất chỉ điểm khối u  thì không thể xác định được đúng là bệnh ung thư hay không?

 

Thực chất, phương pháp xét nghiệm chỉ điểm này chỉ có tính chất gợi ý và chỉ xác định được 3 trường hợp tương đối đặc hiệu do tỷ lệ chất chỉ điểm trong máu tăng cao. Đó là ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới; Ung thư gan (có khoảng 60 - 70% trường hợp khi bị ung thư gan là tăng chất anpha FP - chất chỉ điểm trong máu, nhưng cũng còn đến 30% mặc dù bị ung thư nặng nhưng chất này vẫn không tăng mà vẫn như một người bình thường); Ung thư nhau thai.

 

Hầu hết các loại ung thư khác không thể xét nghiệm được bằng chất chỉ điểm vì nó không đặc hiệu mà chỉ mang giá trị gợi ý. Tức là bệnh nhân có kết quả dương tính cũng chưa chắc phải ung thư, âm tính cũng không thể loại trừ chắc có ung thư. Thậm chí, các chất chỉ điểm này có thể trùng lặp với nhiều bệnh khác nhau. Như chất CEA là chất chỉ điểm gợi ý cho bác sĩ nghĩ đến bệnh ung thư đại tràng, nhưng ở nhiều bệnh chất này tăng như: ung thư vú, ung thư phổi… Ngược lại, nhiều trường hợp người bệnh bị ung thư này nhưng không tăng chất chỉ điểm trong máu. 

 

"Xét nghiệm mô bệnh học là xét nghiệm quyết định để tìm ung thư. Tùy theo điều kiện từng bệnh viện, tính chất cần thiết của công việc mà người ta có thể sử dụng biện pháp xét nghiệm thường quy hay xét nghiệm nhanh" PGS Nguyễn Bá Đức khẳng định.

 

Có hiện đại nhất miền Bắc?

 

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Sơn khẳng định đây là hệ thống máy xét nghiệm hiện đại nhất lần đầu tiên có ở miền Bắc. Theo ông Sơn, ở các bệnh viện miền Bắc cũng có hệ thống máy này nhưng đời cũ hơn, xét nghiệm lâu cho kết quả hơn so với loại máy Trung tâm đang sở hữu. Và với những tính năng của một hệ thống máy hiện đại như vậy, nên một lần xét nghiệm ở đây giá cũng khá đắt, 200.000 đồng/lần.

 

Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển, Phó Giám đốc bệnh viện K, hệ thống máy của Trung tâm khám bệnh 107 Trần Hưng đạo chỉ có một số chỉ điểm về dấu ấn ung thư. Còn ở viện K đã sử dụng loại máy này cách đây 4 – 5 năm, có hơn 100 thông số (lớn hơn rất nhiều so với 33 thông số của chiếc máy ở 107 Trần Hưng đạo) nhưng cũng chỉ có 9 dấu ấn ung thư.

 

Còn PGS Đức thì khẳng định, ở hầu hết các bệnh viện từ tuyến TƯ, tuyến tỉnh, bệnh viện nào cũng có loại máy này. Ở Viện K có 3 máy xét nghiệm chất chỉ điểm này vào hạng hiện đại nhất Việt Nam. Có thể Trung tâm 107 nhập một chiếc máy sêri mới nên nói lần đầu tiên có ở miền Bắc, còn trên thực tế, xét nghiệm máu để phát hiện dấu dấn ung thư đã có từ lâu, và ở các viện tuyến TƯ ở nước ta không chỉ có loại máy này, mà ngày càng có nhiều loại máy mới, hiện đại hơn được các công ty cung ứng thiết bị y tế đặt tại Viện, cho bệnh viện sử dụng miễn phí. Và chi phí cho một lần xét nghiệm ở các bệnh viện thường chỉ từ 50.000 – 100.000 đồng/lần.

 

Quảng cáo thiếu lành mạnh

 

“Trước một nghi ngờ về dấu ấn ung thư, để có câu trả lời chính xác, thì phải dùng nhiều phương pháp mới chẩn đoán được. Ngoài xét nghiệm máu, có thể còn phải làm các xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh, chiếu chụp, nội soi, siêu âm, đặc biệt, bao giờ cũng phải chẩn đoán mô bệnh học để tìm tế bào ung thư. Còn nếu nói xét nghiệm máu để chỉ ra dấu ấn chưa hoàn toàn chính xác”, ông Đức cho biết.

 

Việc gửi mẫu phẩm sang Singapore rồi chờ hơn 1 tuần mới có kết quả xét nghiệm như Trung tâm 107 Trần Hưng Đạo quảng cáo có thật sự cần thiết khi ở tất cả các bệnh viện tuyến TƯ và một số bệnh viện tuyến tỉnh đều xét nghiệm được mô bệnh học để xác định tế bào ung thư? Tại viện K, để có kết quả xét nghiệm tế bào mô bệnh học theo cách thường quy cần 3 - 5 ngày. Tuy nhiên, ngay trong cuộc mổ, bác sĩ có thể lấy một phần khối u, chuyển lên giải phẫu bệnh tế bào và chỉ trong vòng 15 phút đã có câu trả lời để bác sĩ tiếp tục xử trí ca phẫu thuật.

 

Theo các chuyên gia đánh giá, trong lĩnh vực y tế, việc quảng cáo không lành mạnh, đẩy quá công dụng của sản phẩm là không thể chấp nhận vì nó động chạm đến vấn đề sức khoẻ, bệnh tật, đến quyền lợi của người bệnh. Trước những lời quảng cáo vì mục đích thương mại trong lĩnh vực y tế, các cơ quan quản lý nhà nước, ngành y tế, chính quyền, cơ quan báo chí phải thận trọng, xác minh xem nội dung đó như thế nào trước khi đưa thông tin lên cho người dân, tránh tình trạng đưa những thông tin mang tính mập mờ, câu khách.

 

“Như việc xét nghiệm một số chất chỉ điểm khối u có thể là gợi ý cho bác sĩ tìm hiểu tiếp xem bệnh nhân bị bệnh lý gì, theo dõi một số bệnh tái phát… nhưng chỉ có giá trị đến mức thế, chứ không phải là mắt thần nhìn đúng mọi bệnh là ung thư hay ung thư. Những thông tin về hệ thống máy hiện đại nhất miền Bắc tại Trung tâm 107 dễ khiến người dân nhầm lẫn đây là một phương pháp thần thánh, có thể giải quyết được mọi vấn đề, tìm ra mọi loại bệnh ung thư!”, PGS Đức nói. 

 

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Kinh nghiệm - Bí quyết