DMagazine

"Sóng ngầm" bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát

(Dân trí) - Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng, âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 1

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán điều trị lao tại tất cả các quốc gia. Toàn bộ những tiến bộ thế giới đã đạt được cho đến năm 2019 đã bị đình trệ, thậm chí đảo ngược. Mục tiêu chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu đã bị chệch hướng.

Tình trạng này cũng tương tự tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) cho biết thời gian qua, đặc biệt là 2 năm diễn ra dịch Covid-19 (năm 2020-2021), công tác phòng chống lao tại nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Người dân không hoặc khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ chẩn đoán, điều trị lao. Nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong hệ thống phòng chống lao trên toàn quốc được phân công điều trị bệnh nhân Covid-19. 

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 3

Cũng vì thế, dịch vụ phòng chống bệnh lao bị đình trệ. Nhiều tỉnh thành thiếu vật tư và trang thiết bị gây khó khăn cho các bệnh viện hoạt động khám chữa bệnh lao, bệnh phổi. Các hoạt động phát hiện bệnh nhân lao cũng bị ảnh hưởng, không triển khai được do thực hiện giãn cách xã hội. 

Hậu quả là giảm số lượng bệnh nhân lao mới được phát hiện. Cụ thể, trong năm 2020 số lượng bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị trên toàn quốc giảm 3,1% so với năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2021 với dịch Covid-19 diễn biến nặng nề, đặc biệt với các quy định giãn cách xã hội, số bệnh nhân lao phát hiện giảm đến 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019. 

"Mức độ giảm này thậm chí còn cao hơn mức giảm trên toàn cầu (khoảng 18%)", PGS Hòa cho biết.

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 5
Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 6

Đến nay, với nỗ lực của các cán bộ trên toàn quốc, chương trình phòng chống lao đã phục hồi hoàn toàn và trở lại hoạt động bình thường. 9 tháng đầu năm nước ta phát hiện 76.000 ca, tương đương số lượng phát hiện của cả năm 2021 và 9 tháng năm 2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. 

Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng động. WHO ước tính trong 2 năm 2020-2021 số lượng và tỷ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.  

"Việt Nam lại là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện cao nhất trên toàn cầu. Có thể nói, Việt Nam sẽ phải đối mặt với lượng bệnh nhân lao phát hiện mới và cần điều trị hàng năm cao hơn giai đoạn trước dịch", PGS Hòa nhấn mạnh. 

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 9

WHO ước tính tại Việt Nam số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, lên đến gần 50%. Trong khi nếu được phát hiện và điều trị, tỷ lệ này chỉ dưới 3%. 

Số bệnh nhân tử vong gia tăng là do tăng số bệnh nhân lao không được phát hiện và tồn tại trong cộng đồng. Và những người này lại là nguồn lây làm tăng tỷ lệ bệnh nhân lao mới mắc. Đồng thời tăng số tử vong trong số những người không được phát hiện, PGS Hòa cho biết. 

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 10

Tương tự như tình hình dịch tễ lao ở người lớn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bệnh lao ở trẻ em cũng tăng lên. 

Theo PGS Hòa, mức độ lưu hành bệnh lao ở trẻ em trong một cộng đồng tỷ lệ thuận với mức độ lưu hành bệnh ở người lớn. Trong khi đó, theo ước tính của WHO số bệnh nhân lao mới trên người lớn vào năm 2021 tăng 3,6% so với năm 2020. Điều này làm cho mức độ lưu hành bệnh lao ở trẻ em cũng tăng lên theo. 

WHO ước tính số trẻ mắc lao chiếm khoảng 10-12% trong tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hàng năm. Theo các ước tính trên, mỗi năm nước ta có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị. 

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 12

Thực tế chương trình chống lao quốc gia mới chỉ thống kê được khoảng 10 đến 15% số trẻ mắc mới. Vì thế, theo chuyên gia, có thể rất nhiều trẻ mắc lao chưa được phát hiện và điều trị. Hoặc cũng có thể một số lượng lớn trẻ mắc lao được phát hiện và điều trị tại bệnh viện tư, cơ sở chuyên khoa nhi… mà chưa được báo cáo với chương trình chống lao quốc gia.

Một khả năng nữa là tỷ lệ bệnh lao ở trẻ em Việt Nam thấp hơn ước tính chung của toàn cầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia dịch tễ của Australia đánh giá tại Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân lao là trẻ em trên tổng số bệnh nhân lao các lứa tuổi ít nhất ở mức độ 6%. Nếu theo con số này, số lượng trẻ mắc lao ở nước ta được phát hiện và đăng ký điều trị cũng thấp hơn (1,5-2% bệnh nhân lao là trẻ em trong tổng số bệnh nhân lao được phát hiện). 

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 13

Trẻ em đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh. 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. Phần lớn các trường hợp này không phát hiện được vi khuẩn do trẻ không ho khạc đờm được, không làm được xét nghiệm vi khuẩn. Trong khi đó, xét nghiệm chẩn đoán lao chủ yếu dựa trên xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn lao. 

Bên cạnh đó, triệu chứng lao ở trẻ em không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng, khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác, PGS Hòa cho biết.

Bà Kiều Thị Mai Hương, Quản lý chương trình Sức khỏe & An sinh, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cũng cho biết thêm dấu hiệu bệnh lao cụ thể là lao phổi rất dễ nhầm lẫn với những bệnh hô hấp thông thường khác như ho, sốt… Vì thế, chỉ khi trẻ đã có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, sốt, sút cân kéo dài… thì gia đình mới nghĩ đến khả năng trẻ mắc lao. 

Bên cạnh đó, liên quan đến yếu tố lâm sàng, lượng vi khuẩn lao trong nước bọt, đờm của trẻ thường thấp khiến việc chẩn đoán cũng phức tạp hơn. Điều đó đặt ra cho chúng ta thách thức cần phải tăng cường phát hiện bệnh.

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 15
Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 16

Để đối mặt với những thách thức hiện tại, theo PGS Hòa, chương trình chống lao quốc gia cần tăng cường công tác phát hiện trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế kết hợp phát hiện thường quy, tăng cường quản lý điều trị, tăng cường xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, Việt Nam cần đầu tư rất nhiều nguồn lực để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị.

Chung quan điểm bà Hương cũng cho rằng để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Việt Nam cần đẩy nhanh phát hiện và điều trị các ca bệnh lao trong cộng đồng bao gồm cả lao hoạt động và lao tiềm ẩn. Đề thực hiện được chiến lược này rất cần sự đầu tư tài chính đầy đủ cho các chương trình chống lao tại địa phương và sự chung tay của tất cả cộng đồng. 

"Bệnh lao là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, không ai có thể thoát khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh này trừ phi cả xã hội được bảo vệ khỏi bệnh. Để giảm số người mắc từ hơn 170 người trên 100.000 dân như hiện nay xuống đạt mức dưới 10 người trên 100.000 dân vào năm 2030, thực sự là một thách thức lớn với ngành lao nếu thiếu đi sự chung tay của các ngành và lĩnh vực khác", bà Hương nói.

Dù vậy, bà tin tưởng Việt Nam có thể làm được như cách đã đầy lùi Covid-19 vì hai bệnh này có khá nhiều điểm tương đồng.

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 18

Theo bà, hiện nay người dân còn chủ quan với căn bệnh này, một số còn nghĩ đây chỉ là bệnh của quá khứ. Đó là rào cản lớn để chúng ta có thể thực sự chấm dứt bệnh lao.

"Người dân cần biết các dấu hiệu của bệnh lao, khuyến khích mọi người đi khám khi nghi lao. Quan trọng nhất, khi đã phát hiện mắc lao, người dân cần tham gia điều trị càng sớm càng tốt, đồng thời tuân thủ và hoàn thành phác đồ điều trị để tránh chuyển thành lao kháng thuốc. Bệnh lao hoàn toàn có thể được chữa khỏi", bà Hương nhấn mạnh. 

Sóng ngầm bệnh lao: Việt Nam đối mặt nguy cơ bùng phát - 20

Vaccine phòng lao BCG có tác dụng nhất định trong dự phòng mắc lao nhưng hiệu lực bảo vệ không phải là 100% trong suốt cuộc đời. Một số trẻ nhiễm vi khuẩn lao nhưng vì có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh ngay lúc đó - hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Trong trường hợp này, gia đình vẫn nên cho trẻ đi sàng lọc và điều trị lao tiềm ẩn ngay nếu trẻ nhiễm vi khuẩn lao. Các phụ huynh luôn cần nhớ rằng con mình hoàn toàn có khả năng mắc lao.

Để phòng bệnh ở trẻ, điều đầu tiên là cần đảm bảo tiêm đầy đủ vaccine phòng lao cho trẻ. Đồng thời, nâng cao nhận thức của bố mẹ và gia đình về bệnh lao ở trẻ em để nhận biết các dấu hiệu từ sớm, đi khám và điều trị kịp thời, thậm chí có thể thực hiện sàng lọc lao định kỳ để loại trừ nguy cơ bệnh. 

Người lớn trong gia đình khi có biểu hiện ho mà chưa thể đi khám ngay thì cũng không nên ho, khạc đờm bừa bãi, tránh ho trước mặt trẻ để dự phòng lây vi khuẩn lao (nếu có) cho trẻ. Gia đình cần giữ môi trường ở thoáng khí, đủ ánh nắng mặt trời và đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ.

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Triệu chứng của bệnh lao:

- Ngoài những biểu hiện riêng của từng thể lao, độc tố của vi trùng lao có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như: sốt (thường là sốt nhẹ về chiều hoặc đêm), kèm theo là mệt mỏi, kém ăn, gầy sút cân, da xanh, thiếu máu…

- Bệnh lao phổi thường có các biểu hiện ho khạc kéo dài trên 2 tuần, tức ngực, khó thở, ho ra máu, có đờm…

- Người bị lao hạch thường xuất hiện hạch to dính với nhau thành từng khối chắc nổi rõ trên da, trong đó, có tới 95% bị hạch là lao hạch cổ. 

- Với bệnh lao xương khớp, triệu chứng điển hình là đau tại chỗ bị bệnh, hạn chế vận động, nếu bệnh diễn biến lâu ngày không điều trị có thể gây rò mủ tại chỗ. Nếu bị lao cột sống có thể gây gù, vẹo cột sống, liệt vận động…

- Bệnh lao màng não có các biểu hiện dấu hiệu thần kinh như: đau đầu, nôn, táo bón, nặng có thể hôn mê, co giật…

Nội dung: Nam Phương
Thiết kế: Đỗ Diệp