Sờ thấy cục cứng ở ngực, chị em phát hoảng suy sụp vì sợ ung thư

Tú Anh

(Dân trí) - Một ngày, bỗng dưng sờ thấy cục cục ở ngực, nhiều chị em phát hoảng, chưa đi khám đã suy sụp vì nghĩ ung thư vú gọi tên. Bác sĩ khuyến cáo, hãy bình tĩnh, vì không phải khối u nào cũng là ung thư.

TS.BS Nguyễn Diệu Linh, Bệnh viện K cho biết, ung thư vú là căn bệnh gặp nhiều nhất ở phụ nữ, cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới.

Tuy nhiên, không phải khối u nào ở vú cũng là ung thư. Trên thực tế, nhiều người khi sờ thấy có u, cục nhỏ ở vú, chưa kịp đi khám để chẩn đoán đã hoảng hốt, suy sụp tinh thần, có những suy nghĩ tiêu cực.

Sờ thấy cục cứng ở ngực, chị em phát hoảng suy sụp vì sợ ung thư - 1

Khi sờ thấy có khối u ở nách, gần vú, ở vú, nguy cơ gì xảy ra?

Có khối u ở gần vú hoặc nách là dấu hiệu phổ biến nhất ở những người bị ung thư vú.

Tuy nhiên, dấu hiệu nhận diện ban đầu của một khối u ác tính, đó là sờ vào cứng, không đau khi chạm vào.

Vì thế, nếu sờ thấy khối u ở vú, vùng nách, chị em hết sức bình tĩnh, đến bệnh viện khám để được chẩn đoán chính xác.

U vú lành tính xuất hiện có thể do các lý do như nhiễm trùng, chấn thương, tăng trưởng không phải ung thư. Các u vú lành tính thường khi chạm vào có thể di chuyển dễ dàng, có hiện tượng núm vú nhạy cảm, đau và khó chịu ở vú.

Trong đó, xơ nang tuyến vú là phổ biến nhất, với các dạng xơ nang thường gặp:

U nang tuyến vú: Là một khối tròn hay bầu dục, kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm, bên trong chứa dịch (màu vàng trong, đôi khi màu vàng đục, trắng đục, xanh, hiếm khi màu đỏ), bọc bên ngoài là vỏ nang có thể mỏng hoặc dày.

Viêm xơ tuyến vú: Là tổn thương dạng mảng hay khối đặc, kích thước vài cm, không rõ ranh giới, thường xuất hiện ở nửa trên ngoài của vú, đau nhẹ trước mỗi kỳ kinh

Tăng sản ống tuyến vú: Thường dưới dạng mảng hay khối đặc (không chứa dịch), kích thước từ 1 - 4 cm, có thể là một mảng hoặc nhiều mảng ở 1 hoặc 2 vú. Các mảng này giới hạn không rõ ràng, mật độ chắc hơn tuyến vú xung quanh, đau khi ấn. Gần ngày có kinh, kích thước to hơn và gây đau nhiều, khi có kinh thì kích thước lại nhỏ lại và ít đau hơn.

Còn ung thư vú (khối u ác tính) được hình thành bởi nhiều nguyên nhân như tiền sử gia đình từng có người mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, tiền căn thai sản, do uống thuốc hormon, do thừa cân, do hút thuốc - uống rượu, do yếu tố nội tiết...

Các triệu chứng của ung thư vú gồm: Núm vú tiết dịch, hình dạng vú thay đổi, da vú sần vỏ cam, mẩn đỏ, khối u cứng chắc, hình dạng không đều, bám chặt vào da, phát triển nhanh...

Tuy nhiên, để khẳng định chính xác, khi xuất hiện dấu hiệu nguy cơ, sờ thấy khối u bạn nên đến viện khám sớm nhất.

Khi đến bệnh viện khám, chị em được tiến hành các phương pháp khám như: siêu âm vú, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA), chụp X-quang vú...

TS Linh cũng khuyến cáo chị em phụ nữ tự kiểm tra vú hàng tháng, sau khi sạch kinh bởi đó là thời điểm vú mềm nhất. Đặc biệt là những chị em trên 40 tuổi cần chủ động tầm soát ung thư vú khi chưa có triệu chứng, để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, với cơ hội chữa khỏi bệnh đạt trên 90%.