"Số ca tử vong do cúm A/H1N1 sẽ tiếp tục tăng lên"

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khi mà dịch cúm A/H1N1 đã lan rộng tới vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Nếu người dân chủ quan, hệ thống y tế không đáp ứng tốt điều trị thì số ca tử vong sẽ tăng.

90% ca nhiễm cúm trong cộng đồng là cúm đại dịch

Tính đến hết ngày 23/9/2009, Việt Nam đã ghi nhận 7.636 trường hợp dương tính cúm A/H1N1, trong đó 10 ca tử vong. Tuy nhiên ông Nga khẳng định, số bệnh nhân cúm A/H1N1 trong thực tế cao hơn rất nhiều so với số báo cáo. Vì số báo cáo chỉ là những ca được lấy mẫu xét nghiệm và khẳng định dương tính. Còn những chùm ca bệnh tại trường học, các khu công nghiệp… thì không lấy mẫu toàn bộ mà chỉ lấy những ca đầu để giám sát. Theo ước tính, dịch cúm A/H1N1 đã có mặt ở 55 - 56 tỉnh, thành phố trên cả nước, chỉ còn một số ít tỉnh miền núi phía Bắc chưa phát hiện có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.
 
"Số ca tử vong do cúm A/H1N1 sẽ tiếp tục tăng lên" - 1
Bệnh nhân biểu hiện cúm chiếm tới 40% trong tổng số ca tới khám tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia (Ảnh: H.Hải)

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng dịch cúm chiều qua, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, số bệnh nhân cúm A/H1N1 tăng lên hàng ngày. Trước đó 1 tuần, giám sát 15 điểm giám sát cúm quốc gia thì 70% các ca nhiễm cúm dương tính với cúm A/H1N1. Nhưng đến nay, đã có tới 90% bệnh nhân cúm A/H1N1 trong tổng số bệnh nhân cúm. Còn tại các điểm giám sát tăng cường như tại BV Nhi đồng 1, bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, phòng khám Thanh Xuân… thì 100% các ca nhiễm cúm đều là cúm A/H1N1. Điều này chứng tỏ cúm đã lây lan mạnh trong cộng đồng.

Vì thế, ông Hiển cho rằng, hiện tất cả các trường hợp có biểu hiện cúm như sốt, ho, sổ mũi… đều có thể nghĩ là cúm đại dịch và nên được điều trị sớm.

Số bệnh nhân cúm tăng, khiến việc điều trị bệnh nhân cúm tại các bệnh viện hiện rất quá tải, như tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, hiện số bệnh nhân đến khám với triệu chứng cúm chiếm tới 40% trong tổng số bệnh nhân vào khám hàng ngày. Hiện tại viện còn đang điều trị cho 189 trường hợp, trong đó một trường hợp nặng đang phải thở máy.

Tại các bệnh viện vệ tinh của bệnh viện này như bệnh viện Đống Đa, bệnh viện Đức Giang… số bệnh nhân cúm cũng quá tải. Số Tamiflu mỗi tuần Bộ Y tế cấp đi cho các cơ sở điều trị trong cả nước rất lớn, từ 150.000-200.000 viên mới đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Trước nguy cơ cạn kiệt nhanh nguồn thuốc này, Bộ Y tế sẽ sớm lập các đoàn kiểm tra việc sử dụng Tamiflu tại các bệnh viện sao cho hiệu quả.

“Trước dịch cúm A/H1N1 lan tràn mạnh mẽ, đã xảy ra tại các khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm thành phố, xa xôi hẻo lánh nhất là dịch có thể bùng phát mạnh trong mùa đông, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc.. Nếu người dân chủ quan, hệ thống y tế thì không đáp ứng tốt điều trị thì số ca mắc sẽ tăng và số ca có nguy cơ tử vong cũng tăng lên. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo tất cả mọi người dân, kể các những khu vực xa trung tâm, tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa nếu có biểu hiện cúm cần tư vấn y tế để được khám, chữa trị kịp thời.

Dịch cúm sẽ kết thúc sau 24 tháng nữa

Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ thì trong khoảng hai năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 16 triệu người mắc cúm A/H1N1 và dịch cúm A/H1N1 sẽ kéo dài trong khoảng thời gian này. Dịch sẽ kết thúc khi hầu hết người dân có khả năng miễn dịch với virus gây bệnh.

Theo ông Nga, ở thời điểm này, việc điều tra dịch tễ các ca bệnh không có ý nghĩa lớn trong phòng dịch, vì cúm đã lan ra cộng đồng, không còn ở giới hạn các ca bệnh riêng lẻ phải phát hiện để giám sát. Điều quan trọng nhất hiện nay, đó là mỗi người cần có ý thức bảo vệ cá nhân, vệ sinh.

Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.
 

Hoa Kỳ tài trợ 3,6 triệu đô-la hỗ trợ phòng chống cúm tại Việt Nam

 

Ngày 23/9, đại diện Chính phủ Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, thông qua Công ty Abt Associates, USAID sẽ phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện một dự án kéo dài ba năm về công tác phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm A/ H1N1 ở Việt Nam với tổng chi phí cho năm đầu tiên sẽ là 3,6 triệu USD. 

 

Được biết, dự án mới có tầm quốc gia này sẽ xác định và phổ biến các kỹ thuật giám sát tiên tiến nhằm kiểm soát, ngăn ngừa cúm gia cầm và các dạng cúm khác. Dự án này sau đó sẽ tiếp tục triển khai các công việc tại 5 tỉnh trọng tâm gồm Cần Thơ, Hà Nam, Hưng Yên, Kiên Giang và Quảng Trị.

 

Dự kiến, trong 2 năm tiếp theo, USAID sẽ tiếp tục tài trợ cho việc thực hiện dự án mới này với tổng chi phí dự kiến là 10 triệu USD. Được biết, từ năm 2005, Chính phủ Hoa Kỳ đã dành khoảng 50 triệu đô-la hỗ trợ các chương trình phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam.

Hồng Hải - Ngọc Hưng