Số ca đau mắt đỏ tăng mạnh, khan hiếm thuốc điều trị ở Đà Nẵng

Hoài Sơn
Đà nẵng

(Dân trí) - Nhiều hiệu thuốc tại Đà Nẵng có tình trạng hết một số loại thuốc chữa bệnh đau mắt đỏ được nhiều người tìm mua.

Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan nhanh tại Đà Nẵng. Theo Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ 1/9 đến 11/9, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.300 ca đau mắt đỏ.

Nhiều người dân tự ý tìm mua thuốc trị bệnh đau mắt đỏ để điều trị và dự trữ phòng ngừa, dẫn đến tình trạng một số cửa hàng khan hiếm thuốc.

Số ca đau mắt đỏ tăng mạnh, khan hiếm thuốc điều trị ở Đà Nẵng - 1

Thuốc điều trị đau mắt đỏ khan hiếm, một số cửa hàng khuyến cáo khách mua các loại thuốc nhỏ mắt khác thay thế (Ảnh: Hoài Sơn).

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, một loại thuốc nhỏ mắt được nhiều người tìm mua nhất, nhưng nhiều cửa tiệm đã "đứt hàng".

Nhân viên tại nhà thuốc Pharmcity trên đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu) cho biết, cơ sở đã hết loại thuốc này từ 3 ngày trước. Các loại thuốc khác dùng trị bệnh đau mắt đỏ cũng đã hết hàng.

Các chi nhánh khác của nhà thuốc này trên đường Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ cũng thông báo hết hàng.

Tại cửa hàng Long Châu (đường Ngô Văn Sở, quận Liên Chiểu), nhân viên cho biết đã hết thuốc Tobrex, tư vấn khách có thể mua loại khác.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhà thuốc khác trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).

Số ca đau mắt đỏ tăng mạnh, khan hiếm thuốc điều trị ở Đà Nẵng - 2

Từ 1/9 đến 11/9, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng tiếp nhận hơn 1.300 ca đau mắt đỏ (Ảnh: Anh Nga).

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang - phụ trách phòng kế hoạch Bệnh viện Mắt Đà Nẵng - cho biết nguồn thuốc đặc trị đỏ mắt tại bệnh viện đang đảm bảo cho bệnh nhân, nhưng vẫn có nguy cơ thiếu thuốc nếu dịch bùng phát mạnh.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên tìm đến bác sĩ nhãn khoa khi mắc bệnh. Vừa qua, có tình trạng bệnh nhân tự ý dùng thuốc nhỏ mắt mà không qua chẩn đoán, điều trị, dẫn đến biến chứng.

Trước đó, Sở Y tế Đà Nẵng có văn bản về việc tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Trong đó, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ, không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc.

Đau mắt đỏ thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Khi có người bị hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, cần được nghỉ ngơi, cách ly, sử dụng thuốc theo đơn. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Không đắp các loại lá vào mắt, khi có dấu hiệu của bệnh phải đến cơ sở y tế khám, tư vấn, điều trị.