Sinh con tại nhà “thuận tự nhiên”: Phản khoa học, chết cận kề

(Dân trí) - Khẳng định sự phát triển của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã đưa Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tử vong mẹ rất cao nay đã xuống mức rất thấp, BS CKII Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho rằng sinh con “thuận tự nhiên” là phương pháp phản khoa học, đưa con người về thời mông muội.

Đến chiều 15/3, sau nhiều nỗ lực của Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM, cùng các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát nhưng vẫn chưa tìm ra trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con do sinh tại nhà "thuận theo tự nhiên" như facebook Minh Phương đã phao tin.

Bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm những thông tin liên quan, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đã quyết liệt “phản pháo” phương pháp sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà này.

Sản phụ cần được hỗ trợ chuye trong quá trình vượt cạn để hạn chế rủi ro cho cả mẹ và bé
Sản phụ cần được hỗ trợ chuye trong quá trình vượt cạn để hạn chế rủi ro cho cả mẹ và bé

Phân tích chuyên môn của BS CKII Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, chỉ ra: Thông tin 2 mẹ con tử vong vì tự sinh hiện chưa kiểm chứng được độ chính xác, nhưng nếu đó là sự thật thì đây là vấn đề gây rúng động toàn ngành y tế và cả xã hội.

Trên thực tế, phương pháp này có vẻ như đang thành trào lưu. Dù là phương pháp dễ áp dụng nhưng nó tiềm ẩn rất nhiều lo lắng cho bà mẹ và trẻ em vì đây là 2 đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tất cả đều non nớt, yếu đuối, dễ mắc bệnh và nguy cơ nhiễm trùng, tử vong có thể xảy ra trong thời gian rất ngắn (24 đến 48 giờ).

Thông tin trên mạng là những chia sẻ của một vài nhóm người và không biết họ có chuyên môn hay không. Nếu chỉ là trường hợp may mắn, sinh rớt, sinh dễ, ví như những ca sinh rớt trên xe taxi hoặc những ca sinh dễ đẻ tại nhà không kịp đến cơ sở y tế… nhưng sau đó họ đều được đưa đến bệnh viện để được chăm sóc chuyên môn, đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

Thuận tự nhiên có thể hiểu là diễn ra bình thường, không thúc, không ép nhưng chuyện sinh đẻ rất cần sự hỗ trợ y tế.

Trên cơ sở so sánh, BS Ngọc Hải chỉ ra: “Trước đây ở những vùng đồng bào còn tồn tại những hủ tục, người chồng không cho bất kỳ ai đụng vào vợ mình khi sinh nở, mỗi buôn làng đều có “chòi sinh” với chỉ duy nhất một mình sản phụ vào chòi. Tuy nhiên ở bên ngoài vẫn có những bà mụ, ông mụ ở bên ngoài kịp thời hỗ trợ khi đứa trẻ cất tiếng khóc.

Vậy nhưng hậu quả của hủ tục trên cũng khiến tỷ lệ tử vong mẹ rất cao, trước năm 1980 tỷ lệ tử vong của mẹ và con là gần 300 người/100.000 ca sinh. Nỗ lực của ngành y tế trong công tác hỗ trợ sinh sản đến nay đã kéo giảm tỷ lệ tử vong mẹ xuống còn 17 người/100.000ca.

BS Mỹ Nhi khuyến cáo trào lưu sinh con tại nhà không nên tiếp tục
BS Mỹ Nhi khuyến cáo trào lưu sinh con tại nhà không nên tiếp tục

Như vậy, sự xuất hiện của trào lưu sinh con tại nhà “thuận tự nhiên” với phương pháp phản khoa học, đưa con người về thời mông muội. Nếu người mẹ không được hỗ trợ trong quá trình vượt cạn, có thể sẽ bị vỡ tử cung, trẻ yếu không được hỗ trợ nguy cơ tử vong cao, mặt khác người mẹ bị băng huyết là nguyên nhân tử vong hàng đầu, bên cạnh đó là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở cả mẹ và con, chưa kể những tai biến nguy hiểm khác.

Phân tích khác của BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi chỉ ra: “Với những sản phụ sinh con lần đầu, ngoài những nguy cơ chung ở tất cả các bà mẹ khi vượt cạn thì nhóm đối tượng này còn đối mặt với chấn thương đặc biệt nguy hiểm là rách tầng sinh môn (rách trực tràng, rách bọng đái) dẫn tới những băng huyết rất nặng khiến người mẹ có thể tử vong hoặc nếu vượt qua được thì người mẹ cũng sẽ bị những di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống bởi những tổn thương trực tràng, đường tiết niệu”.

“Chúng tôi chính thức khuyến cáo trào lưu sinh con tại nhà không nên tiếp tục được thực hiện. Nếu những người mẹ có xu hướng muốn sinh nở “thuận tự nhiên” thì cũng nên đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ để việc sinh nở diễn ra hoàn toàn tự nhiên nhưng trường hợp cần can thiệp thì chúng tôi sẽ hỗ trợ để tránh cho cả mẹ và bé phải đối mặt với những nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong”, BS Mỹ Nhi chia sẻ.

Vân Sơn