Sẽ không còn bác sĩ Nhi khoa?

(Dân trí) - Câu hỏi hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay khi 4 năm liền trường Y không sinh viên nào theo học khoa Nhi còn tỉnh Lai Châu thì cũng tuyệt nhiên không có bác sĩ Nhi. Và nếu cứ tiếp tục tình trạng này… hàng nghìn trẻ em sẽ bị chết do không nhận được sự chăm sóc kịp thời.

Nhiều địa phương “trắng” BS nhi!

 

Nói về vấn đề này, bà Cao Bích Lan, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm không giấu nổi lo lắng trước thực trạng hiện nay các BS, dược sĩ Nhi không ai muốn về phường làm việc. Ngay ở phường Hàng Bồ, có một BS Nhi đã về hưu nhưng chúng tôi vẫn phải thương lượng ký hợp đồng để… giữ lại bởi không biết tìm nguồn bổ sung BS Nhi bằng cách nào!

 

Tại TTYT quận, huyện, việc thiếu BS Nhi cũng đang trở thành một vấn đề nan giải. Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Gia Lâm cho biết do có nhiều BS nhi vừa được đưa xuống xã hôm trước, hôm sau đã bỏ đi luôn…

 

Còn BS Nguyễn Văn Lịch, Giám đốc bệnh viện đa khoa Đức Giang, Gia Lâm cho biết: Mặc dù là bệnh viện tuyến 2 nhưng đã có thời điểm bệnh viện phải tiếp nhận 120 cháu/ngày. Do chỉ có 30 giường nên nhiều bệnh nhi phải kê giường bạt ngoài hành lang nằm tạm. Nhưng đáng nói hơn là hiện khoa Nhi của bệnh viện này chỉ còn 4 bác sĩ thay khám và trực.

 

Hệ quả của tình trạng này là bệnh viện Nhi TƯ luôn trong tình trạng quá tải. Theo danh sách, đang có 950 bệnh nhi đang “xếp hàng” chờ điều trị. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, trung bình một ngày BV điều trị cho khoảng gần một nghìn bệnh nhi, trong đó 84% là trẻ dưới 6 tuổi. Thế nhưng, công suất tối đa của BV chỉ là 580 giường bệnh.

 

Nguyên nhân do đâu?

 

“Với khoảng 300 bệnh nhân tăng thêm, ngày nào các BS ở đây cũng phải làm việc thêm giờ. Điều trái ngược là họ chẳng hề nhận được khoản thù lao tương xứng”, BS Lộc giải thích.

 

Còn ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội thì thẳng thắn: “Chính sách KCB miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi là hoàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần phân biệt rạch ròi giữa việc miễn phí cho trẻ không có nghĩa là miễn luôn cả chế độ đãi ngộ cho các BS nhi khoa”.

 

Rõ ràng, có một thực tế là hiện nay, theo quy định chung thì 28% tổng số tiền viện phí của công tác khám chữa bệnh (KCB) hàng năm sẽ được dùng để trợ cấp thêm cho các bác sĩ. Nhưng kể từ khi thực hiện việc KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi thì các bác sĩ làm việc tại khoa Nhi các bệnh viện, TT Y tế quận huyện đã không được hưởng trợ cấp này do không có viện phí.

 

Công việc vất vả lại không được hưởng phụ cấp khiến cho 100% cán bộ nhi khoa muốn chuyển sang ngành khác. “Và nếu cứ để tình trạng kéo dài mà không có biện pháp khắc phục, chắc chắn đến năm 2010 - 2015, sẽ có thêm nhiều tỉnh nữa cùng “trắng” BS nhi như Lai Châu”, Bộ Y tế khuyến cáo.

 

Và cũng chẳng cần phải chờ đợi nhiều, suốt 4 năm qua trường ĐH Y cho biết đã không còn chuyên ngành Nhi khoa vì chẳng ai muốn theo học. Cũng chính vì không có đủ bác sĩ nên số lượng giường bệnh dành cho bệnh nhi trên toàn quốc năm từ 20% (1975) xuống còn 13,5% (2006).

 

Đâu là giải pháp?

 

Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, Nhi khoa là một chuyên ngành khó, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian và công sức học trong trường. Vậy mà khi đi làm việc, BS Nhi lại được trả đồng lương và các chế độ ưu đãi không tương xứng thì việc thiếu nhân lực phục vụ ở khoa Nhi là điều tất yếu.

 

Có một nghịch lý khá “hài hước” là hàng năm, mỗi TTYT quận, huyện được thành phố cấp cho hàng trăm triệu đồng phục vụ việc KCB miễn phí nhưng rất nhiều nơi không sử dụng hết số tiền này, thậm chí có nơi chỉ tiêu hết 1/16 số tiền được cấp. Những nguồn ngân sách thừa đó đành phải để lại, chờ đến sang năm để giải ngân tiếp chứ không được dùng nguồn ngân sách đó để đào tạo và bồi dưỡng cho các bác sĩ chuyên ngành nhi khoa (?!).

 

Trong khi chờ đợi một chính sách mới cho các bác sĩ Nhi khoa, bệnh viện đa khoa Đức giang đã “mạnh tay” áp dụng mức phụ cấp 25% lương và phụ cấp thêm 10 - 30.000 đồng/ca trực. Các bác sĩ Nhi ở đây cho biết, trung bình thu nhập của họ khoảng 2,5 triệu đồng. Theo các bác sĩ đây là mức thu nhập có thể chấp nhận được, giúp họ yên tâm công tác. Đây cũng là những bác sĩ hiếm hoi bằng lòng với mức thu nhập và công việc của mình.

 

Phạm Thanh