Sau trận bóng ở sân bùn đất, bé trai nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn hiếm

Hồng Hải

(Dân trí) - 6 ngày sau trận đá bóng, bé 10 tuổi sốt cao, nổi mụn nước ở chân tay, bụng, tiến triển nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân tiếp tục viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn nặng, kháng thuốc vận mạch...

Sốt cao li bì sau trận đá bóng

Ngày 3/11, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về ca bệnh đặc biệt hi hữu, nguy kịch được cứu sống sau gần 1 tháng nằm viện, diễn biến nặng nề.

Sau trận bóng ở sân bùn đất, bé trai nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn hiếm - 1

Nhiễm vi khuẩn có trong bùn đất sau trận bóng đá, cậu bé 10 tuổi trải qua nhiều ngày thập tử nhất sinh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhân là bé trai 10 tuổi ở Tuyên Quang, được đưa đến Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết  - sốc nhiễm khuẩn - Hội chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS).

Ngày 7/10, 6 ngày trước nhập viện, bé trai có chơi bóng đá với bạn ở sân bùn đất bẩn, sau đó sốt cao 41 độ C, nổi mụn nước nhỏ, dịch trong ở lưng, bụng, tay chân 2 bên.

Lúc đầu gia đình nghĩ trẻ bị thủy đậu, tự mua Acyclovir uống và bôi sát khuẩn nhưng mụn nước không đỡ. Trẻ sốt dày hơn, 3-4 tiếng/cơn, mụn nước chuyển mụn mủ trắng.

Ngày 11/10, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang khám với chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm - nhiễm khuẩn huyết.

Tại đây, bệnh nhi được điều trị kháng sinh kết hợp 3 ngày, nhưng tình trạng không cải thiện, trẻ vẫn sốt cao, bị loét tại các nốt phỏng, có mủ phía dưới rải rác ở lưng, đầu.

Sau trận bóng ở sân bùn đất, bé trai nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn hiếm - 2

Các vết phỏng nước xuất hiện nhiều ở vùng chân, lưng của bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 13/11 và sau đó được chuyển tới Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng trẻ khó thở nhiều kèm đau ngực, nhịp tim nhanh, sốt cao liên tục 39-40 độ.

Diễn biến nguy kịch

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay trong đêm tiếp nhận bệnh nhân, ekip trực đã hội chẩn với Ban lãnh đạo Trung tâm Nhi khoa, đặt máy thở không xâm nhập cho bệnh nhi.

Tuy nhiên, bệnh nhi không đáp ứng, phải đặt ống nội khí quản và thở máy nhưng diễn biến nặng lên, trẻ xuất huyết phổi nhiều, phổi chụp lên mờ lan tỏa.

Bệnh nhi nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt phải phối hợp 2 loại vận mạch liều cao... nhưng huyết áp tiếp tục giảm mạnh.

Sau một ngày nhập viện, bệnh nhi xuất huyết phổi liên tục, bão hòa oxy chỉ còn 40 - 50% và rơi vào sốc nhiễm khuẩn nặng, kháng với các thuốc vận mạch, phải sử dụng phối hợp 3 loại kháng sinh và dùng các thuốc vận mạch liều rất cao.

"Đặc biệt, các vết loét nhiều lên, xuất hiện nhiều nốt mới, bệnh nhân diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao, sốc nhiễm khuẩn rất nặng và gần như kháng với các phương pháp điều trị thông thường", BS Hiếu thông tin.

Trước ca bệnh nặng diễn biến nguy kịch, Ban lãnh đạo Trung tâm đã nhiều lần hội chẩn, chỉ định cho bệnh nhân dùng kết hợp các loại kháng sinh mạnh, kết hợp truyền Acyclovir và IVIG (một loại thuốc quý trong điều trị nhiễm khuẩn nặng), nhưng tình trạng oxy máu không cải thiện, tiếp tục sốc nặng, giảm độ bão hòa oxy trong máu.

TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa cho biết, sau khi hội chẩn kĩ, các bác sĩ quyết định lọc máu liên tục cho bệnh nhi.

"Đặc biệt, kết quả cấy máu của bệnh nhi phát hiện vi khuẩn rất hiếm gặp, có tên khoa học là Chromobacterium violaceum, một trực khuẩn Gram âm, hiếm khí.

Vi khuẩn này thường phân biệt với các vi khuẩn khác trong bùn đất, đặc biệt là Whitmore, rất ít trường hợp được báo cáo ở trẻ em. Theo các báo cáo trong y văn, vi khuẩn này thường gây tiêu hủy xương và ăn vào các tổ chức của cơ và da gây hoại tử, khó hồi phục", TS Nam thông tin.

Sau trận bóng ở sân bùn đất, bé trai nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn hiếm - 3

Cậu bé thoát khỏi nguy kịch sau 3 tuần điều trị. Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, sẽ được xuất viện trong vài ngày tới (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Trung tâm Nhi khoa đã phối hợp với Khoa Vi sinh làm kháng sinh đồ, hội chẩn với các chuyên gia dược lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai. Rất may mắn vi khuẩn này nhạy với 2 loại kháng sinh đang sử dụng cho bệnh nhân.

Bệnh nhi vừa được sử dụng kháng sinh kết hợp theo kháng sinh đồ, vừa tiến hành lọc máu. Sau 3 ngày bệnh nhân đã có tiến triển đáng kể, giảm sốt, các chỉ số viêm và huyết động tiến triển nhiều, được cắt bớt vận mạch và sau 1 tuần, bệnh nhân được cai thở máy, chuyển thở oxy.

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã có tiến triển rất tốt, tự thở, tiếp xúc tốt, không có di chứng nào về não hay các cơ quan khác.

Sau 3 tuần điều trị, trẻ có tiến triển tốt hơn và đang được phục hồi chức năng thêm về hô hấp và vận động, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ khuyến cáo, Chromobacterium violaceum là loại vi khuẩn hiếm gặp nhưng lại hay gặp nơi bùn đất. Vì thế, nếu cho con trẻ chơi ở nơi bẩn, có bùn đất thì cần giữ vệ sinh cho trẻ, tránh để trẻ bị xây xát, trầy xước vì đây là cơ hội để các vi khuẩn gây bội nhiễm, đặc biệt ở nơi tổn thương qua da và niêm mạc của trẻ.

Các bác sĩ cũng lưu ý các bố mẹ không tự điều trị ở nhà cho trẻ khi không rõ căn nguyên.