Sau Tết, thuỷ đậu vào mùa

(Dân trí) - PGS Phạm Nhật An, trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi T.Ư) cho biết: "Hiện khoa đang điều trị 5 trẻ bị thuỷ đậu dẫn đến biến chứng. Sau Tết cũng là thời điểm dịch thuỷ đậu vào mùa".

Bệnh nhân mắc thuỷ đậu tăng vọt

Chị Nguyễn Thị Hà, ở Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) có con trai 3 tuổi bị thuỷ đậu đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm cho biết. Vài ngày trước, bé xuất hiện một vài nốt chấm đỏ, bắt đầu từ đầu, mặt, cổ rồi đến bụng, ngực, chân; liên tục kêu ngứa và gãi rát. Sau đó các chấm này hình thành nốt phồng lớn (đường kính 3 - 4mm), chảy nước và cả mủ.

Đưa bé đến BV Nhi T.Ư khám chị mới biết cháu đã bị thuỷ đậu biến chứng bội nhiễm do không được chăm sóc đúng cách.

Tại khoa Truyền nhiễm Viện này cũng có 5 trẻ đang phải điều trị biến chứng thuỷ đậu giống trường hợp con của chị Hà.

Theo TS An, thực tế từ sau Tết số trẻ bị thuỷ đậu lớn hơn nhiều lần vì đa phần trẻ bị bệnh nhẹ đến khám được các bác sỹ kê đơn thuốc về điều trị. Những trẻ phải nhập viện hầu hết có biến chứng như bội nhiễm, lở loét toàn thân... BV Xanh Pôn (Hà Nội), Viện Da liễu Quốc gia,Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cũng cho biết: khoảng 1 tuần nay có nhiều bệnh nhi bị thuỷ đậu đến khám nhưng đa phần là bị nhẹ nên được các bác sỹ cho điều trị ngoại trú.

Các bác sĩ xác nhận, đây là loại bệnh phát triển mạnh trong các tháng mùa xuân và dễ lây thành dịch nếu không được phòng ngừa.

Thủy đậu là loại bệnh lây nhiễm nhưng thường ở thể nhẹ và lành tính, do vi rút Varicella Zoster gây ra, bệnh tiến triển trong khoảng 10 - 15 ngày và thường tự khỏi.

Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua đường hô hấp (nước bọt, hắt hơi, dịch tiết từ mũi - họng của người bệnh.). Điều đáng nói là thời gian lây bệnh thường kéo dài, người bị thuỷ đậu có khả năng lây nhiễm cho người khác từ 1 - 2 ngày trước khi phát ban.

Nếu không biết chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ lâu lành và để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng nặng nếu...

Biến chứng thường gặp nhất ở trẻ em là nhiễm trùng da do trẻ gãi làm các nốt đỏ vỡ, trầy xước, khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập tạo mủ và để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây biến chứng như: giảm tiểu cầu, viêm tủy cắt ngang, liệt thần kinh mặt, rối loạn tiểu não, viêm cơ tim, viêm thận...

Để tránh những biến chứng đáng tiếc cho trẻ khi có biểu hiện nghi ngờ thủy đậu, người lớn cần đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị đúng.

Ngay khi các nốt đậu xuất hiện, cần bôi ngay acyclovir - thuốc kháng vi rút đặc hiệu với bệnh thủy đậu và herpes. Các tổn thương sẽ nhanh bị khống chế, giảm khả năng nhiễm trùng. Nếu bệnh nặng, có thể phải dùng acyclovir dạng uống. Với những nốt đậu dập vỡ, bị gãi xước, cần bôi Xanh Methylene, dung dịch có tác dụng diệt khuẩn, làm se các nốt, tránh bội nhiễm.

Một trong những sai lầm mà nhiều người  lớn mắc phải là khi con bị bệnh thường kiêng nước cho con rất cẩn thận bằng cách không tắm rửa. Trên thực tế đó là một sai lầm, nếu không được tắm rửa vệ sinh sạch sẽ trẻ càng dễ bị nhiễm trùng vi khuẩn.

Vì vậy, người lớn cần tắm rửa cho trẻ bình thường nhưng tránh không để nốt đậu bị vỡ, chảy nước. Sau đó dùng khăn mềm thấm khô cơ thể, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Đồ dùng để tắm, lau cho trẻ như: khăn, chậu phải được rửa, giặt phơi giặt lại khăn và phơi ở chỗ thoáng mát để dùng cho lần sau.

  P. Thanh