"Sàng lọc sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số"

(Dân trí) - Chiến lược nâng cao chất lượng dân số không chỉ tập trung vào vấn đề chiều cao, cân nặng và dinh dưỡng mà còn cần phải đầu tư cho việc chẩn đoán trước sinh và sàng lọc bệnh lý ngay sau sinh để cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh.

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Thị Hoàn (bệnh viện Nhi TƯ), tại Hội thảo quốc gia định hướng nâng cao chất lượng dân số 2006 - 2010 vừa diễn ra hôm qua, 10/8.

Việc sàng lọc sơ sinh (SLSS) thường được tiến hành trên 1 - 6 bệnh như suy giáp bẩm sinh, thiếu enzym G6PD, bệnh hồng cầu hình lượng, tăng sản thượng thận bẩm sinh...

SLSS giúp phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị ngay trong bào thai hoặc quyết định cho huỷ thai bị dị tật bẩm sinh không chữa được. Biện pháp này cũng cho phép phát hiện bệnh lý ngay sau sinh, đủ sớm để điều trị trẻ mắc một số bệnh bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị, tử vong sớm do tan huyết áp cấp.

Theo thống kê của Viện Nhi TƯ, hàng năm chỉ có khoảng 10% bệnh nhân được chẩn đoán suy giáp bẩm sinh còn lại trên 90% trẻ bị bỏ sót tại cộng đồng chưa được điều trị. Từ nghiên cứu ở bệnh viện phụ sản TƯ cho thấy những dị tật ở đầu, mặt, cổ (bao gồm nguyên nhân nhiễm “chất độc màu da cam”) rất cao, chiếm 1/3 tổng số trường hợp và khoảng 40% dị tật ở vùng ngực.

TS Hoàn cho biết, còn rất nhiều trẻ sơ sinh có chất lượng sống suy giảm do mắc các bệnh bẩm sinh và không được phát hiện sớm. Trong khi đó, hầu hết các chương trình sàng lọc sơ sinh ở Việt Nam đều phụ thuộc vào đề tài hợp tác quốc tế, khi hết kinh phí các nghiên cứu đều dừng lại và không thể tiếp tục kéo dài.

Phạm Thanh