Sán chui lên não là loại sán gì?

(Dân trí) - Vừa qua, một bệnh nhân ở Quảng Trị bị sán chui lên não do ăn thịt lợn, thịt bò nhiễm sán chưa được nấu chín kỹ đã phải nhập viện điều trị. Vậy sán chui lên não là loại sán gì?

 

Sán chui lên não là loại sán gì? - 1


 

Các loại sán dây và ấu trùng sán

 

Sán chui lên não là cách gọi đơn giản, thực ra là do ấu trùng sán dây ký sinh tại não gây nên bệnh, không phải sán trưởng thành.

 

Sán dây gây bệnh ở người thường có các loại: sán dây lợn (Taenia solium), sán dây bò (Taenia saginata), sán dây bò châu Á (Taenia asiatica) ... Trước đây quan niệm rằng, người chỉ mắc bệnh sán dây trưởng thành, không mắc bệnh ấu trùng sán nhưng cho đến nay, đã ghi nhận các bệnh nhân nhiễm sán trưởng thành hay ấu trùng sán.

 

Thực tế, rất hiếm thấy người mắc bệnh ấu trùng sán dây bò, hầu hết là bị mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn.

 

Bệnh sán dây trưởng thành

 

Bệnh sán dây (Taeniasis) là do các loại sán dây trưởng thành ký sinh trong ruột gây nên, bệnh phân bố rải rác ở nhiều nơi trên toàn quốc, có tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%. Người bị mắc bệnh do đã từng ăn thịt lợn, gan lợn hoặc thịt trâu, bò tái, sống, chưa nấu chín kỹ.

 

Đau bụng là triệu chứng thường gặp, có thể thấy đốt sán dây bò ra hậu môn theo phân nếu bị nhiễm sán dây bò; nếu là sán dây bò châu Á hoặc sán dây lợn thì đốt sán lẫn vào phân không cử động.

 

Sau điều trị, khoảng từ 2-3 tháng, không còn thấy đốt sán ra theo phân và xét nghiệm không còn trứng sán hoặc đốt sán mới được xem là đã khỏi bệnh. Phòng bệnh bằng cách không ăn thịt lợn, gan lợn, thịt trâu, bò tái, sống chưa được nấu chín kỹ.

 

Bệnh ấu trùng sán dây lợn

 

Bệnh ấu trùng sán dây lợn (Cysticercosis) là do những ấu trùng sán dây lợn ký sinh ở dưới da, trong cơ, trong não, trong mắt người gây nên. Người bị bệnh do ăn phải trứng sán dây lợn, trứng vào dạ dày và ruột nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển, ký sinh ở dưới da, các cơ vân, ở não, ở mắt...

 

Những người bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột, khi đốt già rụng, do phản ứng nhu động ruột mà đốt sán trào ngược lên dạ dày. Trong trường hợp này được xem như người đã ăn phải trứng sán dây lợn với số lượng rất lớn từ đốt sán.

 

Bệnh ấu trùng sán dây lợn phân bố rải rác ở ít nhất 49 tỉnh, thành trên cả nước, tỷ lệ nhiễm khoảng từ 5-7%. Người bị mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn do đã từng ăn rau sống hoặc đã bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Triệu chứng lâm sàng của bệnh tùy thuộc vào vị trí ký sinh của ấu trùng sán. Nếu ấu trùng sán ký sinh tại não sẽ gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng, có thể có biểu hiện như một u nang ở não.

 

Những triệu chứng lâm sàng thường gặp là tăng áp lực sọ não, nhức đầu dữ dội, xảy ra các cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần; có thể bị liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng ... tùy theo vị trí ký sinh của ấu trùng sán chèn ép não. Sau điều trị, khoảng từ 3- 6 tháng nếu hết các triêu chứng lâm sàng và hết ấu trúng sán ký sinh hoạt động mới được xem là đã khỏi bệnh.

 

Phòng bệnh ấu trùng sán dây lợn bằng cách không ăn rau sống, phát hiện và điều trị sán dây lợn trưởng thành càng sớm càng tốt nếu bị nhiễm.

 

BS. Nguyễn Võ Hinh