“Ruột kích thích”: Già, trẻ, chẳng chừa một ai!

(Dân trí) - Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng co bóp của hệ thống tiêu hóa, đặc biệt của đại tràng, cơ quan chịu trách nhiệm việc thải trừ phân. Bệnh liên hệ với nhiều yếu tố, đặc biệt là các stress tâm thần kinh.

Trước đây, rối loạn bệnh lý này thường được nghĩ là xảy ra ở người lớn, vốn gặp nhiều lo lắng, stress trong cuộc sống. Gần đây, giới y học phát hiện bệnh cũng có ở trẻ em với tần suất còn cao hơn.

“Ruột kích thích”: Già, trẻ, chẳng chừa một ai! - 1

Tổng quan

Hội chứng ruột kích thích, irritable bowel syndrome IBS, là một rối loạn chức năng (functional disorder) đường tiêu hóa liên quan đến sự co thắt, nhu động của đại tràng. Vì ruột bị rối loạn co thắt, người bệnh thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, phân không ổn định, ăn uống không được thoải mái.

Bệnh được mô tả đầu tiên năm 1820, với những tên gọi khác như đại tràng co thắt, đại tràng chức năng, đại tràng kích thích, viêm đại tràng tiết nhầy, và viêm đại tràng co thắt. Thuật ngữ "hội chứng ruột kích thích" được thống nhất sử dụng vào năm 1944 đến nay.

“Ruột kích thích”: Già, trẻ, chẳng chừa một ai! - 2

Theo nhiều thống kê y học, hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến khoảng 6–18% dân số, nữ cao gấp 2-3 lần nam giới. Trẻ em hơi cao hơn người lớn (10-20%).

Các biều hiện bệnh lý

IBS không là căn bệnh, mà chỉ là một hội chứng với ba triệu chứng nổi bật: khó chịu hoặc đau bụng, táo bón, tiêu chảy. Bệnh nhân bị IBS có thể gặp các triệu chứng: (1) Đau bụng hoặc bụng khó chịu, đầy bụng, sình hơi; (2) Thay đổi số lần đi cầu, tính chất phân thay đổi; (3) Tiêu chảy và táo bón thường xuyên; (4) Buồn nôn, khó tiêu và có cảm giác có cục vướng ở họng; (5) Đau lưng, mệt mỏi, khó ngủ và đau cơ; (6) Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 60% người có IBS cũng bị rối loạn tâm lý, thường lo lắng hoặc trầm cảm.

Dựa vào hai triệu chứng chính là táo bón và tiêu chảy, IBS được chia thành 4 nhóm chính là IBS-C (constipation, táo bón), IBS-D (diarrhea, tiêu chảy), IBS-M (hỗn hợp), và IBS-U (đơn thuần).

Nguyên nhân gây ruột kích thích

Hiện tại, khoa học chưa xác định được nguyên nhân gốc của hội chứng ruột kích thích. Nhiều chuyên gia sức khỏe chỉ ra các nguyên nhân tiềm tàng:

* Rối loạn thần kinh não bộ-ruột (brain-gut signal problems)

Các tín hiệu truyền từ não bộ và thần kinh trung ương xuống ruột non và ruột già a tuyến ruột bị rối loạn là nguyên nhân chính làm thay đổi chức năng co bóp của hệ tiêu hóa, đặc biệt của đại tràng, gây những thay đổi như thói quen đại tiện, cảm giác đau hay khó chịu.

* Rối loạn thần kinh vận động hệ tiêu hóa (GI motor problems)

Sự rối loạn thần kinh vận động có thể bị chậm dẫn đến trẻ táo bón hay nhanh khiến trẻ bị tiêu chảy, co thắt cơ quá mạnh gây ra đau quặn bụng.

* Rối loạn tâm thần kinh (mental health problems) 

Hội chứng kích thích ruột có mối liên hệ với tình trạng sức khỏe tinh thần hoặc các vấn đề về tâm lý chẳng hạn như trẻ có biểu hiện lo âu và trầm cảm.

* Nhạy cảm với một số dược, thực phẩm

Trẻ bị Hội chứng kích thích ruột có độ nhạy cảm ở vùng bụng cao hơn những trẻ không mắc bệnh. Những trẻ bị nhiễm bệnh còn có những vận động và tạo ra những âm thanh co bóp đại tràng khác biệt so với bình thường xuất hiện sau khi ăn.

“Ruột kích thích”: Già, trẻ, chẳng chừa một ai! - 3

* Quá sản vi khuẩn ruột (small intestinal bacterial overgrowth SIBO)

Khi vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức, chúng sẽ sản sinh ra rất nhiều các loại khí hơi dư thừa làm sình chướng bụng và có thể gây tiêu chảy.

* Yếu tố di truyền

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, IBS có yếu tố gia đình. Người bị ruột kích thích thường có nhiều người trongg cùng gia đình bị mắc bệnh tương tự.

Làm sao xác định IBS ?

Vì là một hội chứng chức năng, IBS chỉ được xác định chẩn đoán sau khi kiểm tra thể chất không phát hiện bất kỳ nguyên nhân thực thể (physical disorder) nào gây ra các triệu chứng tiêu hóa.

Để chẩn đoán IBS, cần tiến hành khám thực thể và làm hồ sơ bệnh án hoàn chỉnh. Bệnh sử gồm các câu hỏi về các triệu chứng, bệnh lý tiêu hóa của các thành viên gia đình, nhiễm trùng gần đây, thuốc men và các stress căng thẳng liên quan.

  Ngoài ra, cũng cần làm các xét nghiệm, thủ thuật thăm khám khác như thăm trực tràng, xét nghiệm máu, phân, siêu âm bụng, soi mềm đại trực tràng để loại trừ các bệnh thực thể.

Điều trị hội chứng ruột kích thích

Tùy theo cơ chế bệnh sinh, việc điều trị IBS chỉ là làm giảm nhẹ các triệu chứng giúp bệnh nhân dễ chịu, thích nghi.

Những liệu pháp thường được áp dụng là:

* Điều chỉnh chế độ ăn uống, dinh dưỡng

Chọn thực phẩm sạch, an toàn, không chứa hóa chất và chất bảo quản.

Tăng cường bổ sung các món ăn chứa nhiều chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây. Chất xơ có thể cải thiện triệu chứng táo bón. Chất xơ cũng làm mềm phân, giúp đại tiện dễ dàng. Giảm ăn chất béo. Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Hạn chế hay ngưng dùng các thực phẩm lạ, sống, lên men chua, lên men thối, gia vị chua cay, rượu bia, cà phê....

* Thuốc men

Vì ruột kích thích là một hội chứng cơ năng, thuốc chỉ nhằm điều trị triệu chứng. Các nhóm thuốc thường được sử dụng là: chống co thắt, chống táo bón, trị tiêu chảy, chống đầy hơi và thuốc an thần chống trầm cảm.

* Các probiotics

Dù chưa có bằng chứng khoa học chuẩn xác, nhiều chuyên gia lâm sàng cho rằng việc thiếu các lợi khuẩn đường ruột cũng là nguy cơ phát triển IBS, và các probiotics được đề nghị bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày.

* Chăm sóc sức khỏe tâm thần

Ruột kích thích liên hệ mật thiết với các stress tâm thần kinh. Do đó, cần giúp người IBS giảm căng thẳng bằng: Tránh làm việc quá sức, lo âu, mất ngủ, căng thẳng thần kinh kéo dài. Sống vui vẻ, thoải mái, nhờ vào dưỡng sinh, thể dục, ngồi thiền, tập yoga, đi dã ngoại...

Khi cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc an thần, chống trầm cảm hỗ trợ thêm.

Đôi điều bàn luận

Hội chứng ruột kích thích đã ảnh hưởng đến khoảng 6–18% dân số trên thế giới, trẻ em bị nhiều hơn, 10-20%. Vì thường bị đau bụng dưới, rối loạn đại tiện như đi nhiều lần, táo bón, tiêu chảy nên chất lượng sống người bệnh bị ảnh hưởng, lỡ nhỡ việc đi học hay đi làm.. Người bị ruột kích thích thường gặp các rối loạn sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, mệt mỏi tính (chronic fatigue syndrome); Trong một nghiên cứu lớn trên 94.000 đối tương nam nữ, có đến 50% người IBS có nguy cơ rối loạn lo âu và trên 70% có nguy cơ rối loạn tâm trạng, như trầm cảm. Hơn nữa, một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng liệu pháp an thần, giảm lo lắng cũng làm các triệu chứng IBS giảm nhẹ đi.

IBS thường tái diễn và khó điều trị dứt điểm vì: (1) Biểu hiện đa dạng, khó chẩn đoán chính xác. Dù thường có các triệu chứng tại hệ tiêu hóa như đau bụng co thắt, rối loạn đại tiện, IBS cũng có nhiều biểu hiện ngoài tiêu hóa như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn vị giác, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, liệt dương nam, tiểu láu, đau ngực, nóng mặt, ù tai..; (2) Khó kiểm soát nguyên nhân gây bệnh như chọn thực phẩm thích hợp, chọn công việc ít căng thẳng...; (3) Chủ quan trong điều trị. Sau khi điều trị tức thời giảm nhẹ triệu chứng đau bụng, đi ngoài, táo bón... đa số người bệnh thường ít khi lưu ý tiếp tục liệu trình loại trừ tận gốc các yếu tố nguy cơ.

Cần lưu ý, IBS cũng xảy ra nhiều ở trẻ em. Do đó, cần lưu ý: (1) Với những đứa bé đến giờ đi học, đi thi, trả bài lại than phiền bị đau bụng, có thể chúng bị ruột kích thích do stress; (2) Vì những cơn đau bụng, quặn thắt, rối loạn tiêu hóa làm trẻ khó chịu, căng thẳng, stress, ảnh hưởng đến học tập, vui chơi, lâu dần còn ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách; và (3) Ruột kích thích cũng khiến trẻ chướng bụng, chán ăn, cũng là một nguyên nhân quan trọng gây sụt cân, suy dinh dưỡng…

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam