Rota vi-rút: Bệnh nặng vì bố mẹ thiếu kiến thức

Bệnh nhi Nguyễn Quang Thái, 4 tuổi (Thái Bình) nằm điều trị trong Khoa Tiêu hóa, BV Nhi TƯ đã 10 ngày mà vẫn chưa được ra viện. Theo BS Bùi Thu Hương, Phụ trách Khoa Tiêu hóa, bệnh nhi này phải nằm viện lâu là do chẩn đoán và điều trị sai từ tuyến dưới.

 

Rota vi-rút: Bệnh nặng vì bố mẹ thiếu kiến thức - 1

Theo dõi và kịp thời đưa đi viện khi trẻ có các dấu hiệu mất nước 
 

Nhận định sai, bệnh càng nặng

 

Chị Hoa, mẹ bé Thái cho biết, khi thấy con bị ho thì nghĩ là viêm họng nên đã đi khám và được bác sĩ kê toa thuốc kháng sinh điều trị. Dùng thuốc kháng sinh ba ngày thấy con nôn thốc tháo, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, chị vẫn nghĩ là do thuốc kháng sinh gây phản ứng. Chị Hoa không cho con đi viện, đến ngày thứ ba thấy con lờ đờ, kiệt sức mới gọi xe cấp cứu đưa con lên BV Nhi TƯ. Tại đây, các bác sĩ cho nhập viện vì chẩn đoán mắc rotavirus gây tiêu chảy.

 

Bệnh nhi Lương Phúc Khánh (Hà Nội) bị bác sĩ tại phòng khám tư chẩn đoán nhầm. Thấy con bị nôn trớ, hơi kèm theo ho mẹ liền cho đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Bé cũng được chỉ định sử dụng kháng sinh, nhưng càng nôn phọt nhiều hơn kèm tiêu chảy. Khi nhập viện, bé được truyền nước bù điện giải ngay lập tức.

 

Những ngày gần đây, Khoa Tiêu hóa, BV Nhi TƯ liên tục tiếp nhận bệnh nhi nhiễm rota vi-rút gây tiêu chảy. Có ngày, Khoa tiếp nhận tới 90 bệnh nhân nhập viện, trong khi chỉ có 30 giường bệnh. Tại Khoa khám bệnh, BV Nhi TƯ tuần qua cũng liên tục tiếp nhận bệnh nhi tiêu chảy cấp do rota vi-rút. Những bệnh nhi mất quá nhiều nước, kiệt sức, huyết áp giảm sẽ được chuyển vào điều trị nội trú. Còn với những bệnh nhân tiêu chảy nhẹ, các bác sĩ sẽ cho thuốc để điều trị ngoại trú.

 

Ho, sốt cũng là một phần triệu chứng

 

Theo BS Thu Hương, khi trẻ ho cũng cần phải nghĩ đến bệnh lý nhiễm rota vi-rút chứ không chỉ là triệu chứng của bệnh viêm họng, viêm phế quản.

 

Nếu chỉ điều trị về hướng viêm phế quản, viêm họng sẽ dễ bị bỏ qua bệnh tiêu chảy cấp do rota vi-rút. Điều này cũng đồng nghĩa với việc điều trị cho trẻ muộn, gây mất nước, cơ thể mất điện giải gây sốt và sốc có thể gây co giật nguy hiểm tính mạng. “Đây cũng là giai đoạn “cao điểm” của bệnh tiêu chảy do rota vi-rút nên ngoài những biểu hiện như nôn phọt, tiêu chảy nhiều lần trong ngày thì bố mẹ cần chú ý đến triệu chứng như ho và sốt”, BS Thu Hương nói.

 

BS Thu Hương cho biết thêm, tiêu chảy do rota vi-rút là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do vi-rút rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi. Trong năm năm đầu đời, hầu như không trẻ nào thoát khỏi tiêu chảy cấp do rotavirus. Bệnh cũng có thể xảy ra ở người lớn và thường nhẹ hơn. Tại các nước có khí hậu ôn đới, bệnh xảy ra vào mùa Đông (tháng 10 - 12) và mùa Xuân (tháng 1 - 4). Riêng tại Việt Nam, ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa Đông; còn ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng Ba và tháng Chín.

 

Cũng theo BS Thu Hương, tiêu chảy cấp do rota vi-rút lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân - miệng và tay - miệng. Vi-rút được thải ra ngoài theo phân của người bệnh và tồn tại rất lâu trong phân, rồi từ đó tiếp xúc bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật... bị nhiễm. Trẻ dễ dàng bị nhiễm bệnh do uống hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm bẩn.

 

Tiêu chảy cấp rota vi-rút do siêu vi trùng gây r, vì vậy kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh. Ở thể nhẹ, không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 - 8 ngày. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước, bù nước và muối khi trẻ bị mất nước. Bệnh không có thuốc đặc hiệu điều trị mà chỉ phòng ngừa bằng vắc-xin.

  

Theo Vân Khánh

Gia đình & Xã hội