Rau trái mùa: Không độc như vẫn nghĩ

Nhiều người cho rằng không nên ăn rau trái mùa bởi người trồng rau phải sử dụng thuốc kích thích, hàm lượng thuốc trừ sâu và chất bảo quản lớn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng không nhất thiết phải phân biệt “đối xử” như vậy.

 

Trái mùa vẫn có rau như ý

 

Nếu theo quy luật của tự nhiên, mỗi loại rau sinh trưởng và phát triển đều cần có những yêu cầu riêng: về ngoại cảnh như thời tiết, đất đai, dinh dưỡng… Vì vậy, người trồng rau luôn phải quan tâm đến thời vụ gieo trồng. Thời vụ gieo trồng thích hợp thường là vụ Đông Xuân, còn mùa mưa, rau sinh trưởng kém, năng suất thấp, dễ bị sâu bệnh, thậm chí không thể phát triển. Thế nên, để duy trì nguồn thực phẩm thiết yếu này, người ta đã áp dụng kỹ thuật trồng rau trái vụ ở nhiều nơi trong nước ta.

 

Theo TS. Hoàng Chung Lằm, trưởng bộ môn Kiểm nghiệm chất lượng rau quả thuộc Viện Rau quả T.Ư thì ở nước ta, rau được sản xuất quanh năm, không kể chính vụ hay trái vụ. Nhờ kỹ thuật canh tác hiện đại, ngày nay người ta có thể trồng tất cả các loại rau thông thường, đáp ứng tối đa nhu cầu người tiêu dùng. TS Lằm khẳng định: “Không có gì đặc biệt giữa rau trái vụ và chính vụ vì nếu rau trái vụ được gieo trồng bằng các kỹ thuật hợp lý, theo những mô hình đảm bảo về nhiệt độ và dinh dưỡng thì rau sẽ phát triển như bình thường.

 

Ông Vương Trường Giang, Phó giám đốc TT Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc cũng đồng tình với ý kiến trên: “Ngày nay, người ta có thể tạo ra rất nhiều loại giống cây trồng khác nhau, có những giống thì chụ nóng, có giống thì chịu lạnh, giống phù hợp với miền này, giống lại phù hợp ở miền khác. Vì vậy, chỉ cần áp dụng kỹ thuật đúng cách thì rau có thể sinh trưởng và phát triển như rau chính vụ.

 

Cung đủ cầu, cần gì chất bảo quản

 

Người ta vẫn đồn nhau rằng rau trái mùa phải sử dụng chất kích thích hoặc hóa chất khác thì mới phát triển và bảo quản được. Không ít người vẫn băn khoăn, từ những vùng xa xôi về đến Hà Nội, không bảo quản thì sao rau có thể tươi và ngon được như vậy? Th.S Hoàng Bằng An, trưởng Bộ môn Kinh tế và Thị trường, Viện Rau quả T.Ư cho biết: “Rau trái mùa được trồng nhiều nơi, ở khắp nước ta, đặc biệt là ở các vùng cao. Tại Hà Nội, người ta nhập rau trái vụ chủ yếu từ các nơi như Đà Lạt, Mộc Châu, Sa Pa, Tam Đảo… Với sự phát triển của các loại hình phương tiện giao thông, thực tế cho thấy, việc vận chuyển rau từ các vùng trong nước về Hà Nội khá nhanh. Người ta đi từ tinh mơ cho đến sáng sớm đã về đến Hà Nội, vì vậy không nhất thiết phải sử dụng chất bảo quản. Bên cạnh đó, những người vận chuyển rau có thể bảo quản rau trong suốt quá trình đi đường bằng cách cho vào các hộp lạnh, thùng lạnh, giúp rau vẫn tươi xanh.

 

TS. Hoàng Chung Lằm giải thích thêm: Sở dĩ có sự phân vân về chất lượng rau trái mùa vì người dân vẫn cho rằng: Rau trái mùa chủ yếu nhập không có nguồn gốc từ Trung Quốc, dễ có hóa chất độc hại. Đó là tâm lý chung của người tiêu dùng. Tâm lý này quá lớn, khiến rau trái mùa ở nước ta phần nào bị “mang tiếng”. Còn ở Việt Nam, nếu có bảo quản thì cũng chỉ là những biện pháp đơn giản như dấm củ, quả bằng hương, đất đèn để mau chín, tiêu biểu như dấm quả cà chua.

 

Ông Vương Trường Giang, người am hiểu về các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng khẳng định: “Ở nước ta không sử dụng chất bảo quản độc hại, tác động không tốt tới sức khỏe con người mới chỉ là tin đồn. Các nhà nghiên cứu lâu năm về rau cũng mới chỉ nghe nói chứ chưa hè nhìn thấy chất bảo quản thực sự đó là chất gì.

 

Theo Lan Phương

Sức khỏe & Đời sống

Dòng sự kiện: Thuốc từ quả