Rau phun thuốc kích thích sinh trưởng có vô hại?

(Dân trí) - Hoạt chất có trong thuốc kích thích sinh trưởng là chất độc, khi vào cơ thể quá liều có thể gây ngộ độc. Vậy người dân có thể an tâm ăn rau sau khi đã phun thuốc kích thích sinh trưởng? Rau không còn dư lượng thuốc liệu chắc chắn đảm bảo an toàn?

Những thí nghiệm - Cần nhưng chưa đủ

 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã thực hiện một cuộc thí nghiệm trên quy mô lớn nhằm đánh giá khả năng ảnh hưởng của thuốc kích thích sinh trưởng (KTST) đối với cây trồng. Tuy nhiên, việc đánh giá chỉ dừng lại ở phạm vi: Chứng minh thuốc KTST không có tác dụng “thần kỳ” như những thông tin đã rộ lên trước đó. Thế nhưng, đối với vấn đề lớn nhất mà dư luận quan tâm hiện nay là thuốc KTST có tạo ra độc chất mới nào trong cây không? Dư lượng có gây hại cho người dùng hay không, gây hại thế nào? Thì theo TS Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, người được Bộ NN&PTNT giao trách nhiệm trong cuộc thí nghiệm lớn này, cần phải có sự tham gia của Bộ Y tế mới đưa ra được những thông tin chính xác về mức độ ảnh hưởng của thuốc KTST đối với người sử dụng.

 

Dù vậy, cá nhân TS Doanh cũng cho hay: Bản chất thuốc KTST là làm giảm quá trình phân chia tế bào, kéo dài tế bào và tăng hormon sinh trưởng. Nếu dùng quá nhiều, sẽ làm tăng quá trình không bào hóa. Bên cạnh đó, trong tất cả các loại thuốc KTST (trong danh mục hay ngoài danh mục cho phép) đều có chứa hàm lượng Giberellic acid - là hoạt chất độc loại 3, gây độc qua miệng chuột và da thỏ là 5.000mmg/1kg trọng lượng. Nghĩa là khi vào cơ thể quá liều cho phép đều có thể gây độc. Vì vậy, mức dư lượng tối đa cho phép là 0,2 -0,5mg/kg rau.

 

Cũng theo TS Doanh, sau ba ngày phun, thuốc KTST đã phân hủy hết và không còn tồn dư trên cây rau.

 

Ngược với ý kiến của TS Doanh, BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học - Kỹ thuật An toàn Thực phẩm VN, lại cho rằng: Các chất KTST sử dụng trên rau củ, cây ăn trái đều độc hại không thua thuốc trừ sâu vì chất độc sẽ ngấm sâu vào bên trong các mô, tế bào, không thể xử lý triệt để được.

 

Liên quan đến vấn đề thuốc KTST, “ông già ozon” - TS Vật lý Nguyễn Văn Khải - cho rằng: Chính những người làm thí nghiệm ở Bộ NN&PTNT cũng nhìn thấy cây sau khi được phun thuốc kích thích tăng trưởng từ ngày thứ 7 - 10 có biểu hiện biến dạng rất rõ rệt, vì vậy dù có công bố: “Không còn dư lượng thuốc kích thích tăng trưởng trên cây rau sau 3 ngày” nhưng có ai dám chắc cây trồng đã phun thuốc đó hoàn toàn vô hại đối với người sử dụng?

 

Trên thực tế, đây mới là vấn đề cấp thiết mà Bộ NN&PTNT cần bắt tay với Bộ Y tế nghiên cứu và đưa ra những kết luận sớm nhất. Bởi chính TS Doanh và những cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm trong ngành Nông nghiệp đều thừa nhận tình trạng sử dụng thuốc ngoài danh mục và sử dụng quá liều cho phép của người dân. Hơn thế nữa, đa số người trồng trọt vẫn sử dụng thuốc sai quy trình (chiếm hơn 70%), sai về thời gian cách ly (20%).

 

Thuốc KTST bị dùng vộ tội vạ

 

Một ví dụ gần đây nhất, lãnh đạo xã thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Tây) sau khi nghe phong phanh về loại thuốc kích thích tăng trưởng giúp mạ khoẻ, lớn nhanh liền lập tức hướng dẫn hơn 1.000 hộ dân trong xã mua loại thuốc đó về phun. Tất cả bà con cùng răm rắp nghe theo, không ai đọc hay tìm hiểu chính xác về công dụng của loại thuốc đó, chỉ nghe hướng dẫn miệng là làm theo.

 

Kết quả là toàn bộ số mạ được phun thuốc đã biến dạng, không thể sử dụng cho kịp thời vụ. Lúc đó, cán bộ xã mới cuống quýt chạy đi bắt đền cơ sở cung ứng thuốc. Thế nhưng, công ty bán thuốc cũng chỉ loanh quanh đổ tại “nhu cầu của bên mua”. Cho đến khi cán bộ TƯ về kiểm tra sự việc thì vấn đề mới được sáng tỏ. Số thuốc mà cán bộ lãnh đạo huyện chỉ đạo người dân trong vùng mua về phun không phải là thuốc KTST mà là thuốc bón lá và trừ sâu hại.

 

Đây là một trong những minh họa rõ nét về trình độ và thái độ của không ít những người sản xuất có sử dụng hoá chất tưới bón cho cây trồng. Đối với lượng rau hàng ngày vẫn cung cấp cho Hà Nội cũng vậy, ai biết được trong số 1.200 tấn rau, củ đổ về thành phố mỗi ngày có bao nhiêu mớ rau mới được phun thuốc KTST hay thuốc BVTV cách đây ít tiếng đồng hồ?

 

Cũng chưa có cuộc nghiên cứu nào báo cáo về tác hại khi ăn phải rau còn chứa những chất hoá học đó.

 

Về góc độ kinh tế thì ông Vương Trường Giang, Phó giám đốc TT Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc cho hay: Mặc dù nước ta có lợi thế về chủng loại nông sản nhưng từ lâu nay những sản phẩm này không thể xuất khẩu sang Châu Âu hoặc có xuất đi cũng bị trả lại, do nước bạn phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn quá cao. “Thói quen sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng hoá chất bừa bãi, cốt rút ngắn thời gian, tăng cao sản lượng đã khiến nước ta mất đi cơ hội phát triển kinh tế”, ông Giang nói.

 

P. Thanh