Quảng Ngãi: Bệnh “da dẻ tím tái” không nguy hiểm như bệnh “da lạ”?

(Dân trí) - Trong những ngày qua, các học sinh ở xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) xuất hiện các triệu chứng tím tái, nạm đỏ nhưng không ngứa và lở loét nghi giống như “bệnh lạ” như ở Ba Tơ.

Quảng Ngãi: Bệnh “da dẻ tím tái” không nguy hiểm như bệnh “da lạ”?

Vết đỏ, thâm tím trên ngực học sinh Đinh Thị Nhung
  

Theo thông tin kể lại của thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Ba (Sơn Hà), vào sáng ngày 9/4 vừa qua, hai em Đinh Thị Nhung và Đinh Thị Hiền (học sinh lớp 4, ngụ Làng Bung) xuất hiện nhiều vết đỏ bầm tím trên mặt, sau đó lan dần đến vùng ngực và tay.

 

Vẫn còn những vết đỏ tím trên cơ thể, em Đinh Thị Hiền cho biết: “Em cũng không biết vì sao bị như vậy. Hàng ngày em thường đi cùng ba mẹ lên rẫy, tham gia xịt thuốc trừ sâu và thường rửa tay, chân, rồi tắm ở những vũng nước, dòng suối gần nơi người dân xịt thuốc trừ sâu. Thế nhưng, đến ngày 9/4 thì toàn thân em bị như thế này. Em lo lắng có phải bị bệnh giống như bệnh lạ ở Ba Tơ hay không, em sợ lắm”.

 

Sau trường hợp 2 em học sinh trên bị ảnh hưởng, nhà trường yêu cầu các giáo viên tiến hành kiểm tra những học sinh khác trong trường.

 

Đến ngày 14/4, các học sinh khác ở trường THCS Sơn Ba cũng xuất hiện các triệu chứng như học sinh tiểu học. Cả xã Sơn Ba rất hoang mang lo lắng bởi dấu hiệu gần giống như bệnh viêm sừng lòng bàn tay, bàn chân gây tử vong ở Ba Tơ.

 

Cho đến nay, tổng số học sinh mắc bệnh này là 19 em trong đó có 2 em điều trị ở Bệnh viện ĐK Quảng Ngãi. Hiện 1 em đã xuất viện.

 
Quảng Ngãi: Bệnh “da dẻ tím tái” không nguy hiểm như bệnh “da lạ”?

BS Trường đang khám cho các học sinh trong trường tiểu học Sơn Hà

 

BS. Phạm Văn Trường, Trưởng Trạm Y tế xã Sơn Ba, khẳng định: “Qua kiểm tra, chưa phát hiện có sự lây lan từ người này sang người khác hoặc giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Hiện chúng tôi đã báo cáo tình hình xuất hiện hiện tượng bệnh mới lên tuyến trên, yêu cầu ngành y tế các cấp hỗ trợ xã Sơn Ba tìm hiểu nguyên nhân, ngăn chặn và tiêu diệt mầm bệnh”.

 

Theo Bác sĩ Phan Châu Vinh, Trưởng Khoa phòng khám cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà, cho biết: “Ngoài biểu hiện những vết nốt thâm đen dưới da, nhiều nhất ở vùng tay, chân, ngực; đặc biệt người bệnh không có dấu hiệu tổn thương nào khác”.

 

Qua các chỉ định, chuẩn đoán bệnh là do viêm da lạ, trước mắt ngành y tế địa phương cho các bệnh nhân uống thuốc kháng sinh và vitamin, hầu hết các ca bệnh lặng dần vết đỏ trên cơ thể và chưa có trường hợp nào quay lại các cơ sở y tế.

 

Đến thời điểm này, ngoài xã Sơn Ba thì 2 xã Sơn Hải và Sơn Cao cũng xuất hiện hàng loạt trường hợp viêm dạ lạ. Tình hình bệnh ngày càng diễn biến theo chiều hướng tăng dần số ca, đã ảnh hưởng việc đến trường của các em học sinh.

 

Theo kế hoạch, vào ngày 25 - 26/4, ngành y tế tỉnh phối hợp với các Trạm Y tế địa phương tiến hành khám sàng lọc, phun thuốc diệt khuẩn và hướng dẫn người dân phòng bệnh, tránh việc sử dụng với các nguồn thuốc trừ sâu không rõ ràng, hoặc các ao, hồ, sông, suối ảnh hưởng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

 

Lo lắng khả năng diễn biến phức tạp của bệnh chưa rõ nguyên nhân, ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết: “Tuy chưa có ca bệnh nào ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn ngành y tế cấp tỉnh, tổ chức kiểm tra và truy tìm nguyên nhân chính xác gây mầm bệnh, nhằm giúp người dân tránh hiện tượng hoang mang, không dám ra đồng, lên rẫy và ảnh hưởng trẻ em đến lớp”.

 

Hồng Long