Quan ngại về tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, những năm qua tỷ lệ tử vong ở trẻ em Việt Nam đã giảm đi đáng kể, tuy nhiên ngành y tế vẫn quan ngại về tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi còn cao, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.

Chăm sóc trẻ sinh non tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh minh họa: H.Hải

Chăm sóc trẻ sinh non tại khoa Nhi (BV Bạch Mai). Ảnh minh họa: H.Hải

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến bày tỏ sự quan ngại về việc hiện nay tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam vẫn còn cao tại Hội nghị quốc tế về phòng ngừa thai lưu và chết chu sinh 2013 diễn ra ngày 17/10 tại Hà Nộị.

Bên cạnh đó, ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và được quốc tế ghi nhận là một trong 9 nước trong khu vực đạt được mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe. Trong đó, mục tiêu giảm tử vong bà mẹ khi sinh đã giảm đi rõ rệt.

Năm 2001, cứ 100.000 trẻ đẻ sống thì có tới 233 người mẹ tử vong. Sau 10 năm này, tỉ lệ này đã giảm xuống  còn 69/100.000 trẻ sống và Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2015 chỉ còn 58 bà mẹ tử vong/100.000 trẻ sống.

Theo ông Tiến, những năm qua tỷ lệ tử vong ở trẻ em Việt Nam đã giảm đi đáng kể, tuy nhiên ngành y tế vẫn quan ngại về tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi còn cao, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê của ngành y tế, có tới 59% trẻ em tử vong dưới 5 tuổi là trẻ sơ sinh và 3/4 trẻ em tử vong dưới 1 tuổi thuộc diện trẻ sơ sinh, nhất là tình trạng trẻ em tử vong trong 7 ngày đầu sau khi sinh còn chiếm tỷ lệ cao.

Tại Hội nghị, Bà Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, nghiên cứu về tử vong sơ sinh tại BV Nhi trong một năm cho thấy, tử vong sơ sinh đứng đầu là ngạt, thứ hai là nhiễm trùng sơ sinh, viêm phổi, các dị tật bẩm sinh và bệnh tật khác.

Ông Wame Baravilala, Cố vấn chương trình sức khỏe sinh sản Chương trình Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ khi sinh. Tuy nhiên, vẫn còn những sự chênh lệnh lớn giữa các vùng miền, khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh những giải pháp, chiến lược can thiệp để giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh như đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, đào tạo cán bộ y tế có chuyên môn vững...

Tú Anh