Quá tải bệnh viện Ung bướu Gia Định!

(Dân trí) - Hiện nay, trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, hầu hết các bệnh viện đều trở nên quá tải. Nhưng sự quá tải ở bệnh viện ung bướu Gia Định, có thể nói đã vượt ngưỡng!

3 bệnh nhân nằm trên chiếc giường…bề ngang nửa mét!

 

Vừa bước vào cổng bệnh viện, sự quá tải đã hiện ra ngay trước mắt chúng tôi. Những con người bất hạnh, mang trong cơ thể căn bệnh ung thư quái ác, đang chen lấn nhau, kẻ đứng, người ngồi. Khoảng sân rộng nhưng vẫn trở nên ngột ngạt , nhỏ bé trước hàng trăm con người chờ khám.

 

Chị Lê Thị Đẹp, quê ở Vĩnh Long, bị ung thư cổ tử cung, cho biết: “Tui chịu không nổi nữa nên ra đây cho thoáng. Trong phòng tù túng lắm...”. Chị Đẹp là bệnh nhân nội trú, đã nằm lại đây 2 tuần rồi. Phòng chị nằm rất chật hẹp, chỉ khoảng chừng 20m2 nhưng phải “gồng gánh” tới 34 bệnh nhân. Theo lời chị thì bệnh nhân nằm chen nhau như “cá mòi” và để “cải thiện” tình hình, chị đành xách chiếu ra đây “tạm trú”. Hằng ngày, chỉ đến giờ bác sĩ khám bệnh, chị mới có mặt ở phòng. Không riêng gì chị, một số bệnh nhân khác cũng chọn cho mình giải pháp đó.

 

Theo chân hộ lý trẻ Hoàng Thị Thanh Thúy, chúng tôi đến phòng 103, khoa xạ 1. Thúy cho biết: “Hôm nay hơi …vắng, vì một số bệnh nhân xuất viện…”. Nói là "vắng" nhưng cũng có tới 30 bệnh nhân trong căn phòng 14 giường, rộng chừng 20m2. Nỗi lo lắng về bệnh tật hiện rõ trên gương mặt từng người.

 

Chị Cao Thị Cẩm Hồng, bệnh nhân ở đây cho tôi biết: “Cao điểm phòng này có hơn 50 bệnh nhân. Những bệnh nhân có chút sức khỏe, còn mạnh sẽ trải chiếu nằm dưới đất, nhường giường cho những bệnh nhân nặng hơn hoặc già yếu. Lúc cao điểm, nằm dưới đất cũng không có chỗ, có người phải chui xuống gầm giường nằm…”.  

 

Lúc chị nói, 2 bệnh nhân khác đang cùng ngồi cùng chị trên chiếc giường bề ngang chừng… nửa mét. Chị cho biết: “3 chúng tôi phải nằm chung nhau trên chiếc giường này…”. Mỗi ngày lưu lại ở đây, mỗi bệnh nhân phải trả phí là 10.000 đồng. Nhưng không phải ai cũng có tiền để trả vì đa số họ là những người ở thôn quê, đời sống rất khó khăn.

 

Điều dưỡng Thúy cho biết thêm: “Bệnh nhân ở đây bỏ trốn để khỏi thanh toán viện phí là chuyện rất thường xảy ra. Biết bà con khó khăn, tất cả bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở khoa đều cương quyết không nhận “phong bì” của bệnh nhân, dù họ tự nguyện.

 

Mỗi điều dưỡng viên hiện tại cũng lâm vào tình trạng “quá tải” chung, khi một mình chăm sóc hơn 30 bệnh nhân”. Vậy mà, khi tiếp xúc với chúng tôi, tất cả những người trẻ làm công việc “từ mẫu” ấy luôn thường trực trên môi nụ cười. Đa số họ vẫn còn độc thân, như bác sĩ Hoàng, đã ngấp nghé 30, vẫn chưa có phút rảnh rỗi để tìm “một nửa” còn lại. Những bệnh nhân có hộ khẩu thành phố, thường hay tự điều trị tại nhà, ít khi nằm lại.

 

Ở các khoa khác, tình trạng cũng không sáng sủa gì hơn. Khi đi ngang qua nơi chờ khám, một không khí ngột ngạt bao trùm. Hàng trăm con người với những gương mặt mỏi mệt, ánh mắt  chờ đợi… Có bệnh nhân phải chờ đến nửa ngày mới tới lượt mình. Một bệnh nhân đùa : “Đừng gọi là bệnh viện ung bướu, phải gọi là bệnh viện quá tải mới đúng!”.

 

Lãnh đạo bệnh viện nói gì?

 

Chúng tôi nêu vấn đề này với bác sĩ Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc bệnh viện, ông đã chân thành cho biết: “Rất đau lòng, chúng tôi đang cố gắng khắc phục, nhưng phải chờ thêm một thời gian nữa”.

 

Theo lời bác sĩ Minh, hiện nay có đến hơn 60%bệnh nhân lưu lại là hộ khẩu ở tỉnh bởi dù đã thành lập khoa ung bướu ở tỉnh nhưng điều kiện vật chất hạn hẹp, thiếu máy móc điều trị(máy xạ trị chẳng hạn) nên bắt buộc bệnh nhân phải được chuyển lên đây, gây nên tình trạng quá tải.

 

Theo kế hoạch của Bộ Y Tế, bệnh viện ung bướu Gia Định có 1.100 giường nội trú, 3.000 giường ngoại trú nhưng hiện nay trên thực tế bệnh viện chỉ có 700 giường nội trú, 1.600 ngoại trú. Hàng ngày, bệnh viện phải tiếp nhận khoảng 3.000 lượt người từ các tỉnh phía Nam đến khám, trong đó số phải nằm lại điều trị khoảng từ 500 - 600 bệnh nhân, trong khi số bệnh nhân xuất viện thường thấp hơn số vào viện”.

 

Để giải quyết tình trạng quá tải, bác sĩ Minh cho biết: “Cần phải phát triển thêm cơ sở vật chất, xây dựng lại quy trình từ khâu khám bệnh và điều trị cho hợp lý. Trước mắt, để giải quyết tình trạng quá tải nhất thời, đối với những bệnh nhân ở thành phố, chúng tôi đưa vào dạng điều trị ngoại trú (khám ở bệnh viện, về nhà điều trị), đồng thời cử bác sĩ, chuyên viên về các tỉnh, giúp thành lập Khoa Ung bướu ở các bệnh viện để bà con có thể khám và điều trị tại quê, tránh tình trạng đổ dồn về thành phố.

 

Về lâu dài, chúng tôi đang xây thêm một khu khám bệnh và phát hiện bệnh sớm, rất hiện đại, gồm 2 tầng hầm và 7 tầng lầu ở số 47 Nguyễn Huy Lượng (Bình Thạnh). Đề án này đã được trình lên sở Xây dựng thẩm định dự án và sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phê duyệt. Hy vọng khi xây xong, tình trạng quá tải sẽ được giải quyết. Thành ủy, Hội Đồng nhân dân TP cũng rất quan tâm về vấn đề này, cũng đã chỉ đạo các ban ngành, Sở Y tế, xây dựng thêm một bệnh viên ung bướu mới, có sức chứa 1.000 giường, tọa lạc ở Quận 9. Có lẽ, khoảng trong khoảng thời gian từ 3-5 năm nữa, bệnh viện này sẽ ra đời…”.

 

 Lê Ngọc Dương Cầm