Phòng ngừa và điều trị cho trẻ em nhiễm khuẩn tả

Từ ngày 10/5 đến nay, Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi TƯ đã tiếp nhận và điều trị cho 6 em nhỏ được xác định đã nhiễm khuẩn tả. Trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mới lên 3 tuổi.

Phòng ngừa và điều trị cho trẻ em nhiễm khuẩn tả - 1

Trẻ cần được rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
Bác sỹ Khu Thị Khánh Dung, PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ cho biết: “Cả 6 bệnh nhân khi vào viện có những mức độ mất nước khác nhau. Có những cháu mất nước nặng nhưng rất may mắn là sau khi được hồi phục nước, uống kháng sinh thì các triệu chứng bệnh bị đẩy lui rất nhanh. Hiện tại 6 cháu đều đã trở lại tình trạng bình thường. Trong đó có 3 cháu chúng tôi cấy lại thì kết quả đã âm tính”.

 

Em Phạm Nhật Anh, cư dân tổ 47B, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy là bệnh nhân nhập viện đầu tiên. Bố mẹ em cho rằng, nguyên nhân bị nhiễm khuẩn tả là do em đã không rửa tay sạch trước bữa ăn tối tại một nhà hàng gần nhà. Khi nhập viện, sức khoẻ của em đã ở trong tình trạng nguy kịch.

 

Chị Nguyễn Thị Mai Anh, mẹ của cháu Phạm Nhật Anh cho biết: “Khi vào đến đây các bác sỹ không đo được mạch cho cháu, không đo được huyết áp, bởi cháu bị nặng quá, bị truỵ mạch nên tình trạng là rất nguy kịch”.

 

Vi khuẩn tả hết sức nguy hiểm, bởi nó làm mất nước rất nhanh, nếu phát hiện chậm và không đến bệnh viện kịp thời sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường. Vì vậy, ngoài đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, phát hiện sớm và vào viện điều trị kịp thời là việc làm mà các bậc cha mẹ cần quan tâm

 

Bác sỹ Khu Thị Khánh Dung, PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ, nhấn mạnh: “Khuẩn tả lây rất nhanh, chủ yếu là qua phân và đồ ăn, thức uống không được vệ sinh, không được đun chín, nước uống không được đun sôi, rửa tay không sạch. Vì thế, khi cho trẻ ăn uống thì dụng cụ đựng đồ ăn phải phải đảm bảo sạch sẽ. Đối với trẻ đã tự phục vụ được mình, khi các cháu ăn uống phải rửa tay sạch sẽ, các đồ ăn phải đảm bảo chín, uống nuớc đun sôi để nguội”.

 

Bác sĩ Khu Thị Khánh Dung cho biết, với trẻ em, triệu chứng nhiễm phẩy khuẩn tả khác hẳn so với người lớn. Biểu hiện nhiễm khuẩn tả ở trẻ em nhiều khi giống như triệu chứng tiêu chảy cấp thông thường. Tuy hết sức nguy hiểm, nhưng phẩy khuẩn tả lại dễ điều trị vì rất nhạy với kháng sinh. Nếu được điều trị kịp thời, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.

 

Theo VTV

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ