Phẫu thuật nội soi rô-bốt thành công cho trẻ nhẹ cân nhất

(Dân trí) - Bé gái 28 tháng tuổi, nặng 11kg là bệnh nhi nhẹ cân nhất được thực hiện thành công phẫu thuật nội soi rô-bốt u nang ống mật chủ tại BV Nhi Trung ương.

TS Phạm Duy Hiển điều khiển rô bốt phẫu thuật 
TS Phạm Duy Hiền điều khiển rô bốt phẫu thuật 

Dụng cụ rô bốt thao tác chính xác nhờ hình ảnh 3D và sự linh hoạt trong xoay chuyển các góc độ.
Dụng cụ rô bốt thao tác chính xác nhờ hình ảnh 3D và sự linh hoạt trong xoay chuyển các góc độ.

TS.BS Phạm Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi (BV Nhi Trung ương), cho biết, bệnh nhi 28 tháng tuổi Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Đại Đồng, Thuận Thành, Bắc Ninh) thường xuyên đau bụng, vàng da. Khi được gia đình đưa đến BV Nhi Trung ương khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u nang ống mật chủ. Nếu không được điều trị bệnh nhân thường đau đớn, nhiễm trùng đường mật kéo dài dai dẳng, nguy cơ dịch tụy tràn lên đường mật gây thủng đường mật, gây viêm tụy cấp, biến chứng viêm đường mật ngược dòng nguy hiểm thậm chí gây ung thư.

Sau khi được chẩn đoán xác định, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cắt u nang ống mật chủ bằng rô-bốt cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật đã rất thành công, bệnh nhi hồi tỉnh ngay sau mấy tiếng thực hiện phẫu thuật. Đến nay, đây là ca phẫu thuật nội soi rô-bốt u nang ống mật chủ được thực hiện thành công, không có bất cứ tai biến gì.

“Trước đây khi chưa có phẫu thuật rô-bốt, bệnh lý này có thể thực hiện được bằng phẫu thuật nội soi thông thường nhưng có rất nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện phẫu thuật. Bởi đây là một phẫu thuật khó, việc thực hiện phẫu thuật cắt đường mật có nhiều nguy cơ, nếu không cẩn thận, tĩnh mạch cửa nằm ngay đằng sau động mạch gan, rất có thể phạm vào nó gây chảy máu dữ dội trong mổ. Trong phẫu thuật, bóc tách có thể gây tổn thương tụy, tổn thương đường mật trong gan gây khó khăn cho cuộc mổ. Đặc biệt khi phẫu thuật miệng nối là một thách thức với phẫu thuật viên dù phẫu thuật viên giỏi và thường phải mở thêm một đường mổ mở để nối miệng sau phẫu tích cắt u nang vì thế thời gian hồi phục lâu hơn, có nhiều rủi ro trong phẫu thuật”, TS Hiền nói.

Tuy nhiên, tất cả những khó khăn, nguy hiểm này lại được “đơn giản hóa” nhờ phẫu thuật nội soi rô-bốt. Khi thực hiện phẫu tích cắt nang, với hình ảnh camera 3 chiều phóng đại 12 lần, các mạch máu nhỏ, thần kinh nhỏ nhìn rất rõ rất thuận lợi cho quá trình phẫu tích, cắt nang. Đặc biệt với việc khâu nối thì thuận lợi tuyệt vời vì dụng cụ của rô-bốt có thể quay 540 độ (cổ tay của bác sĩ không thể xoay được như khớp rô-bốt) nên có thể luồn vào mọi ngóc ngách để phẫu thuật mà ít gây xâm lấn, ảnh hưởng đến những vùng xung quanh nhất, giảm thiểu tốt nhất thương tổn cho bệnh nhi.

TS Hiền cho biết, tất cả các phẫu thuật nội soi làm được thì rô-bốt cũng làm được nhưng do chi phí đắt đỏ nên tại BV Nhi Trung ương chỉ ứng dụng cho những phẫu thuật phức tạp. Theo đó, 3 loại hình chính được triển khai bằng phẫu thuật rô-bốt, đó là là phẫu thuật trong ổ bụng (nang ống mật chủ, teo mật, đường tiêu hóa như phình đại tràng bẩm sinh, luồng trào ngược dạ dày); phẫu thuật đường tiết niệu (hội chứng khúc nối niệu quản bể thận) một số phẫu thuật cắt khối u, cắt thùy phổi trong lồng ngực.

Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, phẫu thuật nội soi rô-bốt là một trong những đột phá của BV Nhi Trung ương nói riêng, của ngành y tế Việt Nam nói chung. Nhờ kỹ thuật hiện đại mà các phẫu thuật khó khăn như trước đây, nhất với những phẫu thuật đòi hỏi động tác tinh tế hơn, thậm chí có những phẫu thuật không thực hiện được thì nay lại được giải quyết hiệu quả nhờ nội soi rô-bốt. Tuy nhiên hiện nay chi phí một ca mổ đắt đỏ, 50 - 80 triệu/ca.

BV Nhi Trung ương cũng đã gửi toàn bộ giấy tờ, thủ tục đề nghị thanh toán phẫu thuật nội sọi rô-bốt lên Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Còn hiện tại, các ca phẫu thuật rô bốt tại BV Nhi Trung ương miễn phí hoàn toàn cho các bệnh nhi, gia đình chỉ phải trang trải chi phí như một cuộc phẫu thuật nội soi bình thường.

Việt Nam cũng là nước thứ 2 ở Châu Á và là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ứng dụng thành công công nghệ hiện đại này.

Bài và ảnh: Hồng Hải