Phát triển công tác xã hội giảm áp lực trong ngành y

(Dân trí) - Số bác sĩ và nhân viên y tế chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người bệnh, những căng thẳng trong mối quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân liên tục phát sinh. Phát triển công tác xã hội trong ngành y là lối thoát cho tình trạng này.

Những năm gần đây, hoạt động Công tác xã hội (CTXH) đã được triển khai ở một số bệnh viện tuyến trung ương với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế và tình nguyện viên. Các hoạt động của CTXH nhằm hỗ trợ cho các y bác sĩ trong việc phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh… góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, hoạt động CTXH trong ngành mới mang tính tự phát. Đội ngũ cán bộ tham gia chủ yếu vì lòng nhiệt huyết và kinh nghiệm mà chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng nên thường thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Phát triển công tác xã hội giảm áp lực trong ngành y - 1
Ảnh minh họa

Hiện tại, một số bệnh viện và cộng đồng đã hình thành các tổ chức của hoạt động CTXH như: phòng CTXH, phòng Chăm sóc khách hàng, tổ Từ thiện xã hội… thuộc bệnh viện hay nhóm CTXH tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã/phường…

Vì tính chất quan trọng và cần thiết trong việc nâng cao chất lượng của Ngành y tế, Chính phủ sẽ dành 2.347,4 tỷ đồng để thực hiện Đề án phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020. Hoạt động CTXH ở bệnh viện không chỉ có vai trò hỗ trợ bệnh nhân mà còn hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ Y tế.  

Hơn nữa, đây cũng là phương thức để mở rộng mạng lưới CSSK đến với cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Điều này sẽ khuyến khích người dân tích cực tham gia giải quyết những vấn đề sức khỏe bằng chính khả năng của mình và với các phương pháp thích hợp.

Vân Sơn