Phát hiện nhiều dầu ăn, mỳ gói có chất béo trans

Mới đây, qua các mẫu phân tích, chất béo trans trong mỳ gói là 0,2g/100g (đạt ngưỡng cho phép ở Mỹ) nhưng trong dầu ăn cao hơn gấp 10 lần (từ 2-2,2%).

 

Phát hiện nhiều dầu ăn, mỳ gói có chất béo trans - 1

Các sản phẩm dầu ăn, mỳ ăn cần phải được kiểm tra hàm lượng chất béo trans rồi mới cho lưu hành
 

Bữa ăn của người Việt, nhất là những người thích “ăn Tàu” và những món thường có nhiều chất béo từ nguồn dầu thực vật như mỳ gói, snack, thực phẩm chiên, bánh nướng... Các loại thực phẩm này đều sử dụng chất béo thuỷ phân một phần để kéo dài hạn sử dụng, trong đó có chất béo trans.

 

Các sản phẩm dầu ăn, mỳ ăn liền cần phải được phân tích thí nghiệm và ghi hàm lượng trans lên nhãn mới được lưu hành

 

Số liệu từ trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM, thuộc sở Khoa học và công nghệ TPHCM cho thấy: trong 34 mẫu mỳ gói, phát hiện tới 38% số mẫu chứa chất béo dạng trans, với tỷ lệ 0,01-0,2g/100g. Còn trong gần 20 mẫu dầu ăn được đưa đến đo lường, trung tâm mới chỉ thực hiện đo 7 mẫu, trong đó đã có tới 3 mẫu (43%) với tỷ lệ chất béo dạng trans từ 2-2,2%, có nghĩa là trên 0,22g/100g (chúng tôi không công bố các nhãn hiệu này). Trong khi đó, rất hiếm hãng sản xuất thực phẩm chế biến ghi rõ thành phần và hàm lượng axit béo dạng trans lên nhãn sản phẩm của mình.

 

Chất béo trans làm tăng cholesterol xấu

 

Đa số các thông tin của sản phẩm thực phẩm hiện đang lưu hành trên thị trường ít khi nhà sản xuất ghi lượng chất béo dưới dạng trans này với tỷ lệ bao nhiêu, mà chỉ ghi hai loại tổng lượng chất béo và tổng lượng chất béo bão hoà và không bão hoà trên các nhãn dầu ăn, mỳ ăn liền…

 

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, trường đại học Y dược TPHCM cho biết: nhiều công trình nghiên cứu chứng tỏ dùng nhiều chất béo dạng trans sẽ làm tăng lượng cholesterol toàn phần, làm tăng cholesterol xấu và làm giảm cholesterol trong máu xuống. Ngoài ra, nó có thể gây bệnh tiểu đường týp 2, ung thư ruột già... Như vậy, chất béo dạng trans không có lợi trong khẩu phần ăn và càng dùng ít càng tốt.

 

Axit béo dạng trans chủ yếu là axit béo nhân tạo. Trong dầu thực vật chứa axit béo không no dạng lỏng, từ dầu lỏng tự nhiên như: dầu bắp, dầu hạt hướng dương, dầu đậu nành, người ta có thể chế biến thành dạng đặc giống như bơ gọi là margarin bằng phản ứng hoá học gọi là “hydrogen hoá”. Khi hydrogen hoá, một số nối đôi của axit béo không no của dầu sẽ được gắn thêm hydro để trở thành bão hòa, trong khi một số nối đôi khác sẽ trở thành dạng trans. Vậy, để chế biến dầu lỏng thành dạng đặc, người ta đã biến chất béo không no thành thành chất béo bão hoà và chất béo dạng trans.

 

Chất béo dạng trans được tìm thấy trong margarin, shortening dùng trong việc trộn xà-lách, mỳ gói, kể cả thức ăn nhanh được chiên với dầu ăn như: khoai tây chiên, gà rán, chuối chiên, cá viên chiên, tôm viên chiên…

 

Hiện trên thị trường do tiết kiệm dầu mỡ trong việc chiên xào nên đều dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, trưởng phòng dinh dưỡng cộng đồng, trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho rằng: “Người dân không nên ăn ở những nơi có dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây bệnh ung thư”.

 

Phải ghi rõ hàm lượng trans lên sản phẩm

 

Theo ông Nguyễn Hữu Đức, hiện nay ở Việt Nam chưa có khuyến cáo về giới hạn dùng chất béo dạng trans. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ, Canada đặc biệt yêu cầu các hãng sản xuất thực phẩm chế biến phải ghi rõ thành phần, hàm lượng axit béo dạng trans lên sản phẩm.

 

Luật Canada cho phép kỹ nghệ được quyền ghi câu trans 0, zero trans, no trans fat, trans fat free, nếu sản phẩm chứa ít hơn 0,2g (tức 2%) trans. Tóm lại, no trans fat không có nghĩa là hoàn toàn không có chất béo trans. Tuy sản phẩm có ghi trans 0g, nhưng nếu chúng ta ăn càng nhiều thì số trans fat ăn vào cũng càng tăng lên một cách đáng kể. Tổng số chất béo hay total fat (lipit) ghi trên nhãn hiệu phải dưới 5% mới tốt.

 

WHO khuyến cáo nên giới hạn sự tiêu thụ trans fat ở mức 3g/ngày. So với kết quả trên trong các mẫu phân tích dầu ăn của trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM có cao hơn so với chuẩn của Canada và Mỹ, nhưng hầu hết các sản phẩm thực phẩm đều chưa ghi rõ hàm lượng trans trên nhãn.

 

Các nhà khoa học khuyến cáo: để đảm bảo sức khoẻ cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước cần phải đưa ra quy định: các nhà sản xuất thực phẩm phải ghi rõ hàm lượng axit béo dạng trans trên sản phẩm là bao nhiêu. Nếu các hãng sản xuất không công bố thì không cho sản phẩm lưu hành.

 

Theo Hoàng Nhung

Sài Gòn tiếp thị