Ốm vì phải "nhịn chuyện ấy" lâu?

Tôi dừng "chuyện ấy" khi vợ mang thai tháng thứ 7. Mới 2 tháng phải "cai" nhưng tôi thấy rất bức xúc. Lo hơn là sau khi vợ sinh, phải "nhịn" thêm nhiều tháng nữa. Việc nhịn lâu như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không? Trung Dũng (Vinh, Nghệ An)

Sau khi sinh, khoảng 3 - 4 tuần, bộ phận sinh dục nữ sẽ co hồi lại tư thế như trước. Nếu không cho con bú thì kinh nguyệt cũng sẽ trở lại sau 6 - 7 tuần. Nghĩa là về mặt sinh lí, khoảng 2 tháng là người phụ nữ trở lại trạng thái như khi chưa có thai. Trừ trường hợp khi sinh con phải can thiệp sản khoa như mổ, rạch thì thời gian hồi phục lâu hơn.

 

Việc cho con bú mà vẫn “quan hệ” với chồng không có gì trái với đạo đức và tâm lý. Sinh hoạt tình dục khi đang cho con bú cũng không làm giảm sút lượng sữa mẹ, trái lại trong khi cực khoái lượng ocytocine tăng nhiều hơn, tuyến sữa được kích thích sản sinh nhiều hơn.

 

Phụ nữ rất cần chồng cảm thông và chia sẻ trong giai đoạn mang thai.

 

Tuy nhiên, sau khi sinh, người vợ với nhiều thay đổi về tâm sinh lí, nhu cầu về chuyện chăn gối thường không cao. Lúc này, mối bận tâm lớn nhất của họ là đứa con. Có người còn né tránh “chuyện ấy” vì cơ thể không còn hấp dẫn, sức khoẻ mỏi mệt vì chăm sóc bé...

 

Do vậy, người chồng cần phải cảm thông và giúp đỡ vợ, không nên đòi hỏi chuyện sinh lí thái quá làm vợ bị tổn thương. Việc nhịn tình dục trong vài tháng như của bạn không có gì nghiêm trọng, vì  “tinh binh”  của đàn ông được bài tiết hằng ngày qua đường nước tiểu. Do vậy, hãy tận dụng thời gian này để làm một ông bố, một người chồng tốt. Bạn không nghĩ ngợi nhiều về chuyện đó thì sẽ không còn thấy bức xúc.         

 

Theo BS Liên Hồng

Gia đình