”Ở đây có cúm à?“

(Dân trí) - Đến ấp Bình Đức 1, tôi hỏi thăm người dân đường vào khu trọ nơi cháu bé 3 tuổi tử vong vì cúm A/H5N1, anh thợ sửa xe ở số nhà 5/23 giật mình hỏi lại: “Ở đây có cúm à? Chết cả người nữa sao?”. Sự việc mới xảy ra cách đó 3 ngày.

”Ở đây có cúm à?“ - 1

Gà vịt thả rông khắp trên cạn, dưới nước (Ảnh: Vân Sơn)
Chiều ngày 19/3, đi một vòng quanh các ấp Bình Đức 1, Bình Đức 2 và Bình Đức 3 là những khu vực đang được Sở Y tế Bình Dương khoanh “vành đai đỏ” cảnh báo về sự xuất hiện của cúm H5N1, gà vịt vẫn được thả chạy rông trong vườn, ngoài đường như chưa có chuyện gì xảy ra.

 

Quan sát quanh khu vực gia đình cháu bé 3 tuổi tử vong do H5N1 thuê trọ, đây là nơi giáp với bãi đất trống (ngày trước là cánh đồng) đất đai ẩm thấp. Phía sau khu trọ này là điểm nuôi gà đá, gà vườn và vịt chạy đồng tất cả số gà vịt của các hộ vẫn được thả tự do. Cách đó không xa là khu chợ của ấp Bình Đức 1, nơi hàng ngày vẫn diễn ra hoạt động buôn bán và giết mổ gia cầm. 

 
”Ở đây có cúm à?“ - 2

Khu trọ nơi cháu bé 3 tuổi tử vong vì H5N1 đã ở trước đó (Ảnh: V.Sơn)
 
Qua tìm hiểu, được biết tại đây có đến hơn 40% số hộ gia đình chăn nuôi gà vịt thả vườn để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày, một số hộ chăn nuôi kiểu mô hình trang trại theo hướng kinh doanh và việc phòng bệnh cho đàn gia cầm chỉ được chú trọng ở những hộ này.

 

Ngày 18/3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện thanh trùng, khử khuẩn lần 2 ở khu vực nhà trọ nơi bệnh nhân lưu trú bằng CloraminB 5%. Phối hợp với Viện Pasteur TPHCM lấy 14 mẫu bệnh phẩm ở gia cầm và 10 mẫu đối với những người đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân để tiến hành xét nghiệm, đồng thời cấp thuốc Tamiflu cho số người nói trên.

Anh Nguyễn Thế Vinh, một người dân sống cạnh khu nhà trọ của cháu bé cho biết: “Ngày trước cán bộ thú y của xã có tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm, nhưng thời gian gần đây thì chưa thấy. Cháu bé bị nhiễm cúm từ đâu ấy chứ, ở đây chúng tôi vẫn thường xuyên làm thịt gà, thịt vịt để ăn nhưng có việc gì đâu. Đàn gà tôi nuôi vẫn khỏe mạnh như thường. Từ hôm con bé mất đến giờ mới thấy họ đến phun thuốc diệt khuẩn chứ không thấy tuyên truyền gì cả”.

 

Ngay cả đến người chú họ của cháu M là anh Võ Thành T cũng cho rằng cháu mình tử vong không phải do cúm gây nên, mặc dù 2 kết quả xét nghiệm đều cho thấy cháu đã dương tính với H5N1. “Trước đó nó có ăn thịt gà đâu mà bảo nó mắc cúm”.  

 

Cũng theo anh T cho biết, trước khi bé M phát bệnh, cha mẹ cháu đã xảy ra chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nên người mẹ đã bế con bỏ đi mấy ngày nhưng chưa xác định được là đi đâu. Anh T. loại trừ khả năng cháu mắc bệnh ở quê (Hậu Giang) vì gia đình đưa cháu về quê ăn tết, nhưng đến ngày mồng 7 (AL) cả nhà đã có mặt tại Bình Dương để cha mẹ cháu đi làm.

 

Trao đổi với ông Phạm Văn Phú, Phó Chủ tịch xã Bình Hòa về vấn đề cúm xuất hiện ở địa phương và phương án phòng chống dịch, ông cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Sở Y tế của tỉnh tiến hành phun thuốc khử khuẩn quanh khu vực gia đình cháu bé ở trọ. Hiện vẫn chưa có kết luận về việc cháu bị nhiễm bệnh ở đâu nên trước mắt Phòng Thú y xã sẽ tiến hành tiêm phòng cho đàn gia cầm gần nơi cháu sống. Ở những khu dân cư khác chúng tôi cũng sẽ tổ chức tiêm phòng dịch và việc chăn nuôi của người dân vẫn được diễn ra bình thường”.

 

Vân sơn