Nỗi ám ảnh "dọn vảy" trên giường sau mỗi đêm thức dậy của bệnh nhân vảy nến

Hồng Hải

(Dân trí) - BS Hoàng Văn Tâm, BV Da liễu Trung ương cho biết, tâm lý người bệnh vảy nến nặng nề như "ung thư giai đoạn cuối", bởi những ám ảnh khó chia sẻ được với mọi người. Thậm chí, người thân cũng kỳ thị họ.

Bệnh trầm trọng hơn vì tùy tiện dùng thuốc

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mỗi ngày tiếp nhận từ 60-80 bệnh nhân vảy nến đến khám. Thời tiết giai đoạn chuyển mùa, hanh khô, khiến nhiều người bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Nỗi ám ảnh dọn vảy trên giường sau mỗi đêm thức dậy của bệnh nhân vảy nến - 1

TS Tâm khám cho bệnh nhân vảy nến. Nữ bệnh nhân này hiện đã kiểm soát được bệnh. Chị chia sẻ, giữ tinh thần lạc quan sẽ giảm tình trạng tái phát bệnh (Ảnh: H.Hải).

Như trường hợp của nữ bệnh nhân 29 tuổi ở Hưng Yên, mấy tháng nay tình trạng được kiểm soát tốt, nhưng gần đây lại xuất hiện vài nốt ở vùng bụng, nên chị phải đi khám lại.

Chị cho biết bị vảy nến được 3 năm nay, sau khi sinh bé thứ 2. "Sau khi sinh con hơn một tháng, tôi thấy khi cương sữa bị đỏ rực hai đầu vú, nhưng chỉ nghĩ do cương sữa nên tự mua thuốc bôi, 1-2 tuần là khỏi", chị Linh nói.

Tuy nhiên sau đó, cứ mỗi lần cương sữa, các nốt đỏ lại xuất hiện nhiều hơn. Khi con tròn 1 tuổi, các nốt này bắt đầu phá, lan rộp khắp người, đau đớn. Khi đến viện khám, chị mới biết mình bị vảy nến.

Tiếp đó là hành trình điều trị vô cùng gian nan, bôi thuốc 2-3 tháng các nốt vảy không mờ đi. Dù cũng làm trong ngành y, chị Linh không đủ kiên nhẫn, tìm đến một thầy thuốc ở Nam Định vì nghe đồn chữa khỏi vẩy nến. Nhưng sau khi dùng thuốc, mặt chị bị phù, không mở được mắt, chị hoảng hồn đến viện Da liễu Trung ương khám lại.

BS Tâm cho biết, ban đầu bệnh nhân này mắc vảy nến thể mảng (thể thông thường) với biểu hiện có mảng, sẩn màu đỏ, vẩy trắng bạc. Tuy nhiên, do bệnh nhân dùng thuốc bừa bãi, có corticoid, bệnh tiến triển thành thể mủ, khiến bệnh nhân rất đau đớn, tổn thương nặng.

"Thuốc bệnh nhân uống gây phù mặt, không mở được mắt có Medrol (loại thuốc chứa corticoid). Khi dùng thuốc này, ban đầu đáp ứng rất tốt, nhưng chỉ cần ngừng thuốc là bệnh bùng phát. Dùng thuốc lâu dài để lại nhiều tác dụng phụ nguy hiểm", BS Tâm nói.

Không thể chữa khỏi hoàn toàn

Bác sĩ Tâm cho biết vảy nến là bệnh da mạn tính. Các thương tổn da có thể rải rác cho đến lan tỏa toàn thân. Bệnh có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời. Có nhiều yếu tố khởi phát bệnh, đặc biệt liên quan đến tình trạng căng thẳng, stress, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn hầu họng, tiết niệu…; các yếu tố như chấn thương, các bệnh lý khác làm bệnh khởi phát nặng hơn.

Tuy nhiên, có đến 50%  bệnh nhân mắc vảy nến cảm giác hoang mang, chán nản, bi quan. Chất lượng sống của bệnh nhân vảy nến được so sánh tương đương như ung thư giai đoạn cuối.

"Nỗi khốn khổ nhất của bệnh nhân vảy nến đó là làm người bệnh cảm thấy tủi hổ vì những tổn thương trên cơ thể. Mỗi sáng thức dậy người bình thường phơi phới sinh lực, thì bệnh nhân vảy nến lại lặng lẽ dọn vảy bong ra trên ga đệm, nhiều người càng bất lực, stress, vòng luẩn quẩn càng lặp lại khiến bệnh càng bùng phát", TS Tâm nói.

Stress có thể kích hoạt các phản ứng làm cho những triệu chứng của bệnh vẩy nến ngày càng trầm trọng hơn. Thông thường các triệu chứng bệnh bùng phát nhanh chóng khi bệnh nhân bị stress, lo âu và có xu hướng cải thiện khi thư giãn.

TS Tâm cho biết vảy nến là bệnh viêm da lành tính, không lây, hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu điều trị sớm, đúng cách, người bệnh vảy nến vẫn có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường. Do đó, người bệnh cần đến các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu và chữa bệnh ngay từ giai đoạn đầu mới khởi phát, giúp kiểm soát và duy trì ổn định, tránh các nguy cơ bị biến dạng các khớp và tàn phế.

Hiện với sự tiến bộ của y học, có nhiều phương pháp điều trị vảy nến như điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân hay liệu pháp ánh sáng, ứng dụng thuốc sinh học. Các phương pháp này có thể giúp tình trạng bệnh được kiểm soát, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng.

TS Tâm nhấn mạnh tuyệt đối không nghe theo các quảng cáo, bài thuốc truyền miệng chữa khỏi vảy nến. Thực tế điều trị, rất nhiều bệnh nhân nhẹ thành nặng, thể thường thành thể mủ sau khi điều trị ở các thầy lang bởi lạm dụng thuốc chứa corticoid nguy hiểm, có thể khiến vảy nến thường chuyển thành vảy nến thể mủ.

Vảy nến thể mủ không phổ biến, chiếm dưới 10% số lượng bệnh nhân vảy nến, nhưng mức độ lại rất nặng nề. Bệnh nhân bị rối loạn mất nước, mất điện giải do sốt cao, dễ bội nhiễm, nguy cơ tử vong cao hơn so với vảy nến thông thường.

"Hiện Bệnh viện Da liễu Trung ương đang khám, tư vấn miễn phí bệnh vảy nến cho mọi người đến hết tháng 10. Ngày vảy nến năm nay có chủ đề là "Sức khỏe tâm thần của bệnh nhân vảy nến" càng cho thấy các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân vảy nến cần được quan tâm hơn nữa, bởi chính sự lo lắng, tự ti về ngoại hình... có thể khiến bệnh trầm trọng hơn" - bác sĩ Tâm khuyến cáo.