Nô nức xuất ngoại chữa bệnh - Tại sao?

(Dân trí) - Chị Trần Thị L (Hải Phòng) 42 tuổi ,được chẩn đoán là ung thư phổi giai đoạn 4 và đã sang Singapore để xạ - hóa trị. Chị L không ngần ngại cho biết: “Cả gia đình chị đã tiếp cận với dịch vụ y tế của đất nước này nhiều năm và không có ý định tìm về các cơ sở y tế trong nước”.

Xuất ngoại chữa viêm họng! 

 

Cách đây chưa lâu, tại một bệnh viện tầm cỡ lớn nhất nhì thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc), chúng tôi đã gặp anh Trần Tiến Sơn, 40 tuổi, khi anh vừa khám xong bệnh viêm họng và đang ngồi đợi vợ vào phòng siêu âm. Anh Sơn cho biết: trước đây anh bị dạ dày, đi hết các bệnh viện lớn nhỏ của Hà Nội mà không ăn thua. Sau gần 3 tuần chữa trị tại đây, tình hình đã tiến triển rõ rệt. Vậy là anh quyết định đưa cả gia đình sang đây khám toàn bộ.

 

Thực tế, trường hợp như gia đình anh Sơn ngày càng trở nên phổ biến. Thậm chí, “gu” chữa bệnh của những bệnh nhân rủng rỉnh tiền bạc cũng rục rịch chuyển động. Thay vì lựa chọn các cơ sở y tế có “mác” ngoại tại Hà Nội, TP HCM hay các nước vốn được tiếng là “giá cả phải chăng” như Thái Lan, Trung Quốc, nay nhiều người lại chuyển sang các nước Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức để trị bệnh…

 

Đại diện tập đoàn y tế Parkway (Singapore) tại Việt Nam cho biết, số bệnh nhân sang đất nước này điều trị tăng 6-7 lần so với trước đây. Riêng số lượng khách đi tự do trên thị trường thì không thể thống kê nổi. Thậm chí, nhiều người vẫn muốn sang Singapore chỉ để nhổ răng, cắt bao quy đầu, nạo họng hạt... mặc dù những loại bệnh này, các bác sĩ trong nước điều trị rất tốt.

 

Tưởng vô lý nhưng lại… có lý

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một Giáo sư bệnh viện K Hà Nội cho rằng: Xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh giúp cho người mắc trọng bệnh có nhiều hy vọng được cứu sống và góp phần giảm tải cho những chuyên khoa sâu như ung thư, tim mạch... Tuy nhiên, Giáo sư cũng cho biết: “Xu hướng này đang gia tăng một cách chóng mặt. Nhiều bệnh trong nước chữa rất tốt nhưng không hiểu sao, một số người có tiền vẫn đua nhau xuất ngoại chữa bệnh. Giáo sư khẳng định, ngay cả những loại bệnh ung thư dạ dày,  đại tràng ... chất lượng điều trị ở Việt Nam cũng không thua kém bất kỳ nước nào trong khu vực, sao cứ phải đem ngoại tệ ra nước ngoài để tiêu...”.

 

Trong khi đó, chính đại diện của Parkway cũng thẳng thắn cho rằng: “Tôi khẳng định nhiều bác sĩ trong nước rất nổi tiếng trên thế giới về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, một số bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Các bệnh nhân ở Việt Nam, dù bất cứ bệnh gì, trước khi quyết định sang nước ngoài chữa trị nên hỏi ý kiến bác sĩ trong nước. Theo tôi, mọi bệnh nhân nên tìm mọi cách chữa trị ở Việt Nam trước khi phải “vái tứ phương”.

 

Nhiều người từng xuất ngoại chữa bệnh gặp sự cố cũng thừa nhận, trong quá trình khám và điều trị không phải là không có sự cố. Trong số đó, phần nhiều là do bất động ngôn ngữ, bác sĩ nói một đằng, người bệnh hiểu một nẻo. Thậm chí không ít bệnh nhân, vì không nắm rõ thủ tục khám chữa bệnh tại nước ngoài nên phải lòng vòng hết một ngày chỉ trong một cao ốc để tìm được nơi cần đến! Tuy vậy, chưa ai than phiền vì chuyện này mà “cạch đến già” với xuất ngoại chữa bệnh. Tại sao?

 

Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ ở bệnh viện lớn nhất nhì Hà Nội cho biết: “Tôi làm việc tại một cơ sở y tế hàng đầu của Việt Nam, luôn tin tưởng ở tay nghề đồng nghiệp, nhưng đã vài lần đưa người nhà ra nước ngoài chữa bệnh. Không chỉ đơn giản vì cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại, sang trọng mà cách phục vụ tận tình của họ làm cho bệnh nhân có cảm giác mình là thượng đế. Điều này, ở các bệnh viện công của chúng ta chưa thể làm được. Có thể vì cơ sở vật chất của nước ngoài “đồ sộ” hơn chúng ta - vì họ là dân kinh doanh - nên họ có thể đáp ứng được nhiều bệnh nhân, do đó không có sự quá tải. Vì vậy, giữa người bệnh và y bác sỹ điều trị thân thiện với nhau hơn. Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng các dịch vụ y tế trong nước chưa tốt, vệ sinh chưa thật sự bảo đảm. Trong khi đó tâm lý người bệnh lại muốn được chăm sóc chu đáo, tận tình”.

 

Đây là lý giải thích vì sao khi có điều kiện kinh tế, nhiều người vẫn mong ra nước ngoài để chữa bệnh, dù là những chứng bệnh nhẹ nhàng!

 

Chị Lê Dung (Hà Nội), một bệnh nhận vừa trở về từ Trung Quốc cho biết: "Chúng tôi sang đây chữa bệnh, chấp nhận giá cao nhưng cảm thấy thực sự yên tâm về trình độ chuyên môn của bác sĩ và rất hài lòng về thái độ phục vụ. Nói thật, dù đi chữa bệnh xa nhà nhưng không phải lo lắng chuyện người nhà của mình lăn ra ốm trước khi mình dứt bệnh như khi ở trong nước. Y bác sĩ túc trực 24/24 giờ, chỉ cần bấm chuông ngay đầu giường là lập tức họ có mặt". Chị Dung cho biết, số tiền 7,5 triệu đồng cho một ca mổ mật là chấp nhận được, trong khi một số thủ tục lại rẻ hơn trong nước như chụp CT cắt lớp chỉ 120 tệ (một tệ = 2.100 VNĐ), tiền phòng bệnh 2 giường đầy đủ tiện nghi chỉ trên dưới 60 nghìn.

 

Rõ ràng những nguyên nhân kiểu như: kiếm cớ để tiêu tiền và khoe của với thiên hạ chỉ là muối bỏ bể so với những nguyên nhân rất hợp tình, hợp lý: giá cả thỏa đáng, cơ sở chất lượng dịch vụ tốt, không có chuyện tiêu cực phí…

 

Phúc Hưng