Bệnh viện Sóc Trăng:

Nỗ lực cứu sống nhiều bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần

(Dân trí) - Chiều ngày 14/6, trao đổi với PV Dân Trí, Bác sĩ (BS) Nguyễn Hoàng Các, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Bệnh viện vừa thực hiện cấp cứu thành công hai bệnh nhân bị bệnh nặng.

Bệnh nhân Tạ Văn Sáu sau phẫu thuật

Bệnh nhân Tạ Văn Sáu sau phẫu thuật

 

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Tạ Văn Sáu (60 tuổi), ngụ tại xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) bị rắn độc cắn rơi vào trạng thái hôn mê. Theo BS Nguyễn Văn Sỏi, Phó trưởng khoa hồi sức tích cực-chống độc, bệnh nhân Tạ Văn Sáu nhập viện ngày 4/6 trong trạng thái sụp mi mắt, cứng miệng, cứng cổ do bị rắn hổ đất (một loại rắn cực độc) cắn. Sau 30 phút nhập viện, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, ngưng thở do nọc độc của rắn ngấm vào cơ thể, sự sống của bệnh nhân trở nên mong manh. Trước tình trạng đó, bệnh viện huy động đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao, tập trung máy móc, thuốc men tốt để điều trị cho bệnh nhân trên tinh thần “còn nước còn tát”. Đầu tiên, các BS đã đặt ống thở qua đường khí quản, chăm sóc vết cắn, tiêm ngừa uốn ván…

 

Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân đã phục hồi, nghe được người khác nói, ăn được cháo và sữa. Bà Lâm Thị Xinh (vợ bệnh nhân) xúc động nói: “Từ nhà lên bệnh viện chạy xe hết khoảng tiếng đồng hồ, lên đến nơi, thấy chồng mình quá nặng, gia đình mất hết hi vọng. Nhưng nhờ có sự tận tình cứu chữa của các BS nên chồng tôi đã được cứu sống. Gia đình tôi mang ơn các BS suốt đời”. Theo BS Sỏi, nếu chậm khoảng 20-30 phút chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong. “Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con nếu có người nhà bị rắn cắn ngay lập tức chuyển vào bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, không nên tự ý điều trị bằng thuốc nam hay các biện pháp dân gian khác không hiệu quả, mất thời gian khiến cho người bị rắn cắn bị nguy hiểm đến tính mạng”, BS Sỏi tâm sự.

 
Bệnh nhân Nhàn đã phục hồi tốt
Bệnh nhân Nhàn đã phục hồi tốt

Trường hợp thứ hai, bệnh nhân Phan Thị Nhàn (54 tuổi), ngụ tại xã Vĩnh Hiệp (Thị xã Vĩnh Châu) bị vết đứt ở chân nhưng do hoàn cảnh nghèo lại chủ quan nên không đi tiêm ngừa uốn ván mà vẫn mang bàn chân bị đứt đi làm thuê kiếm sống, lội bùn nhiều ngày. Sau 8 ngày bị vết thương, bệnh nhân bị sốt cao, co giật, cứng hàm nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu ngày 22/5. Vào bệnh viện, các BS xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván nặng. Sau 3 ngày nhập viện, bệnh nhân vẫn bị sốt cao, co giật…buộc các thầy thuốc phải mở khí quản để bệnh nhân thở và tập trung tất cả các phương tiện, thuốc men tốt nhất để cứu sống bệnh nhân. Một ngày sau, bệnh nhân vẫn sốt cao, tụt huyết áp… nên bệnh viện phải dùng thuốc an thần, giãn cơ, chống co giật, chống choáng…. Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân Nhàn đã có dấu hiệu hồi phục. Đến nay đã tự thở, nói chuyện được.

 

BS Tăng Vũ, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết: “Về cơ bản, bệnh nhân đã phục hồi trên 90%, ăn cháo, uống sữa được. Hiện nay chúng tôi vừa tiếp tục điều trị, vừa giúp bệnh nhân tập vật lý trị liệu để phục hồi các hoạt động của chân tay, chỉ ít ngày nữa là bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn”. Anh Phạm Văn Bảo (con trai bệnh nhân Nhàn) nói: “Khi đưa mẹ nhập viện, gia đình đã nghĩ tới tình huống xấu nhất và có người bà con đã nói đưa mẹ về nhà chờ chết chứ không thể nào qua khỏi. May có các BS tận tình cứu chữa nên mẹ tôi đã qua con nguy kịch, mẹ tôi đã được bệnh viện đưa về từ cõi chết, ơn này gia đình tôi không bao giờ quên được”.

 

Trao đổi với PV, BS Tăng Vũ cho biết: Hoàn cảnh của bệnh nhân Nhàn rất khó khăn, hàng ngày phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống, chi phí điều trị rất cao, có ngày tiền thuốc lên đến 10 triệu đồng. Tất cả số tiền này trước mắt bệnh viện chi xuất”.

 

Theo BS Nguyễn Hoàng Các, “:bệnh viện đa khoa Sóc Trăng luôn tâm niệm nhiệm vụ của người thầy thuốc là chữa bệnh cứu người. Cho nên, dù bệnh nhân bị bệnh nặng hay có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chúng tôi vẫn quyết tâm chữa trị giành sự sống lại cho người bệnh, nếu bệnh nhân khó khăn, bệnh viện sẽ có biện pháp giúp đỡ với tinh thần sự sống của người bệnh là quan trọng nhất”.

 

Thời gian qua, bệnh viện đa khoa Sóc Trăng đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy kịch như cứu sống người phụ nữ bị ong dữ đốt trên 340 vết; cứu sống cháu bé bị sốt xuất huyết có nhóm máu cực hiếm…mà báo Dân Trí đã phản ánh.

 

                                                                                                Bạch Dương