Những thói quen xấu nhất trong ăn uống

(Dân trí) - Khi nói đến ăn uống, nhiều thói quen xấu có thể gây ra những “tổn thất” khó lường. Dwis đây là những hướng dẫn giúp bạn có một thói quen ăn uống lành và mạnh và nhiều năng lượng hơn.

Những thói quen xấu nhất trong ăn uống - 1


Bỏ bữa

 

Để cơ thể quá đói là một trong những điều ngu ngốc nhất mà ai đó làm nhằm để giảm cân. Đến khi được ăn, cũng là lúc hành động “nuốt lấy nuốt để” diễn ra trong tình trạng không thể kiểm soát. Khi ở trong cơn đói cồn cào thì thật khó để đưa ra một lựa chọn sáng suốt.

 

Giải pháp: ăn sáng và “tái nạp” năng lượng sau mỗi 4 - 5 giờ. Nếu cảm thấy khó kiểm soát thì cần phải lên thực đơn những gì sẽ ăn. Có thể nghĩ tới những “gói lựa chọn” đơn giản gồm các món ăn tốt cho sức khoẻ được chuẩn bị trước, có thể cho vào lò vi sóng hâm nóng; vài miếng phô mai ít béo và hoa quả, một số thực phẩm giàu chất xơ, sữa chua tách béo. Các thực phẩm giàu chất xơ và protein nạc sẽ cung cấp năng lượng cao và kéo dài.

 

Ăn hàng là chính

 

Các nhà hàng là những cái bẫy “calo”. Kích thước bát đĩa thường lớn hơn và các đầu bếp cũng thường “quá tay” khi cho dấm, chất béo và đường trong các món ăn.

 

Giải pháp: Nếu không thể tự nấu hay ăn nhà thì nên hạn chế những đồ ăn thức uống trong quán ăn nhà hàng sau: Tránh xa rượu, vì rượu không chứa năng lượng nhưng lại dễ làm bạn mất kiểm soát hành vi. Chỉ để ly nước, 1 ly vang hay 1 ly bia nhẹ bên cạnh nếu thực sự muốn uống. Nói với người phụ vụ không mang bánh mỳ nướng mà thay vào đó là món sa lát. Điều này sẽ giúp kiềm chế cảm giác thèm ăn. Yêu cầu dùng dầu ôliu và dấm cho món sa lát. Chọn các món chứa protein nạc và chế biến bằng cách phương pháp ít dùng tới dầu mỡ.

 

Ăn uống thả phanh

 

Hầu hết những người thường phải “chiến đấu” với cân nặng của mình cũng là những người hay dùng thực phẩm để “đối phó” với những lúc buồn chán, căng thẳng, mỏi mệt… Trong tâm trạng như vậy thì thật khó để biết mình đã ăn bao nhiêu. Đến khi “tỉnh ngộ” thì mới biết là mình đã ăn quá nhiều.

 

Giải pháp: “Kiểm điểm” lại những cảm xúc khiến bạn nghĩ nhiều tới ẩm thực rồi từ đó luôn tâm niệm rằng ăn không giúp giải quyết vấn đề, và rằng “Tôi buồn nhưng tôi không đói”. Hãy hình dung mình sẽ cảm thấy thế nào sau khi ăn và hãy hỏi bản thân xem liệu việc mình làm có thực sự mang lại ích lợi. Sau đó, hãy chọn cho mình 1 cách “giải buồn” tích cực hơn như gọi điện cho một người bạn, đi dạo hay đọc sách. Dù ở thời điểm nào cũng hãy nhớ tới những việc giúp khuây khoả  ngay khi rơi vào cảm xúc tiêu cực nhé.

 

Vẫn ăn dù không đói

 

Ăn vặt luôn mồm sẽ khiến cân nặng lên nhanh nhất.

 

Giải pháp: Khi chuẩn bị đưa cái gì đó vào miệng, hãy nghĩ xem mình đã thực sự đói chưa. Nếu chưa có cảm giác đói thì đừng ăn. Nếu có cảm giác đói bụng, bạn sẽ thấy thèm ăn. Khi ngồi xuống, hãy nhẩm câu: “Chỉ ăn đến 80% nhu cầu thôi” và thời gian 15 – 20 phút dành cho ăn uống là đủ để thoả mãn nhu cầu cơ thể.

 

Minh Phương

Theo MSN