Những người ký thác sinh mạng

(Dân trí) - Không thân thích, không ruột rà... nhưng những người có nhóm máu Rh-, nhóm máu hiếm tại Việt Nam, đã gắn bó với nhau còn hơn anh em một nhà. Đơn giản vì họ gần như ký thác cho nhau sinh mạng và họ đến với nhau bằng sự chân thành từ trái tim.

“Chỉ nên có một con”.

Với chị Trần Thị Châu Giang, 31 tuổi, cán bộ Văn phòng TƯ Đảng, đó là kỷ niệm không thể nào quên.

Cách đây hơn chục năm, nghe bạn bè rủ hiến máu... đẹp da nên cô sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hăng hái đi hiến. Hiến tới lần thứ 2 thì các cán bộ thu gom máu ở Viện Huyết học - truyền máu TƯ (lúc đó còn thuộc BV Bạch Mai) gọi Giang đến và thông báo máu của cô thuộc nhóm máu hiếm Rh-, người có nhóm máu này gặp nhiều khó khăn trong sinh nở, dễ tai biến và thông thường các Bác sĩ khuyên “chỉ nên sinh 1 con”.

Nghe vậy, Giang buồn tủi ghê gớm, may bố mẹ Giang đều là giáo viên dạy môn Sinh học cấp 3, hiểu về gen và di truyền, giải thích và trấn an tinh thần để cô bớt lo...

Sau lần đó, Giang không dám hiến máu nữa. Nhưng chỉ ít lâu sau, cô “được” các cán bộ Viện huyết học- truyền máu TƯ “lùng sục” để hiến máu trực tiếp cho một ca sinh khó, em bé sinh ra bị phản ứng với máu Rh- của mẹ phải chuyển viện khẩn cấp từ Phú Thọ xuống Bệnh viện Nhi TƯ. Nếu không kịp thời tiếp máu cho bé trong vòng 24h, bé có thể chết.

Ban đầu cô cũng rất lo liền gọi điện về hỏi ý kiến bố mẹ và được mẹ tư vấn là nên hiến máu, nhưng “đừng để người nhà họ biết lại mang ơn huệ”, mẹ dặn Giang như vậy.

Lặng lẽ tới Viện Nhi, Giang vào gặp thẳng nhóm bác sĩ đang cấp cứu cho bé để hiến máu. Vậy mà lúc quay ra, người nhà của em bé đã vây lấy để cảm ơn. Tình cảm mặn mà, Giang nhận cô bé mình vừa cứu khỏi cửa tử làm con nuôi, cha mẹ đẻ của bé để cho cô toàn quyền đặt tên cho bé (trước đó bé đã được bố mẹ đặt tên) và Giang đặt tên cho bé là Khánh Quỳnh. Cô gái Châu Giang trẻ tuổi chưa chồng nghiễm nhiên được gọi bằng mẹ.

Đi lại thêm thân, ít lâu sau bố mẹ Giang cũng nhận bố mẹ bé Khánh Quỳnh làm con nuôi, hiện 2 gia đình đi lại rất thân thiết. Năm 2003, Giang lấy chồng và sinh 1 cô con gái đặt tên là Trúc Quỳnh. “Tôi tự hào làm mẹ 2 đoá Quỳnh”, chị Giang nói. Rất may, dù cô bé Trúc Quỳnh có nhóm máu Rh+ nhưng Châu Giang vẫn sinh nở mẹ tròn con vuông, không phải tiếp máu.

“Hôm mình lên bàn đẻ, lẽ ra là đẻ ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội, nhưng do mình có nhóm máu hiếm, sợ tai biến không cấp cứu kịp, đích thân bác Viện trưởng Viện huyết học gửi thư tay cho Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ nhờ đỡ đẻ cho ca đặc biệt này. May mà mọi thứ đều suôn sẻ”, cô chia sẻ.

Khi Viện Huyết học- truyền máu TƯ lập CLB những người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc, Giang là người đầu tiên tham gia. Chị nói: “Các thành viên trong CLB thường hỏi han, thông báo cho nhau những ca cần hiến máu, người này ko hiến được thì báo cho người khác”. Mỗi lần có bệnh nhân cần hiến máu hiếm gấp, CLB gọi cho chị, chồng chị thường động viên: “thôi thì giúp người ta” và đích thân chở chị đi. Thấm thoắt đã 14 lần như vậy.

Không bao giờ lấy tiền!

Theo Thạc sĩ Trần Ngọc Quế, trưởng khoa Thu gom máu- Viện Huyết học - Truyền máu TƯ) thì ở nước ta cứ 10.000 người mới có khoảng 4- 7 người có nhóm máu này. Năm 2007, Viện đã xét nghiệm 49.567 lượt người cho máu mới phát hiện ra được 36 người có nhóm máu hiếm.

Những người có nhóm máu hiếm Rh- chỉ có thể truyền máu cho nhau. Nếu truyền nhầm nhóm máu (Rh+ sang Rh- ) thì sẽ xảy ra hiện tượng tan máu (phản ứng loại trừ nhau) gây sốc, suy thận, truỵ tim mạch và tử vong. Vì vậy, Viện Huyết học - Truyền máu TƯđã và đang xây dựng CLB những người có nhóm máu hiếm ở Trung tâm truyền máu lớn. Những thành viên của CLB được cung cấp thông tin về nhóm máu Rh- và tình hình hiến máu Rh- trên thế giới và ở Việt Nam, đồng thời cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống

Riêng về vấn đề chia sẻ, Thạc sĩ Trần Ngọc Quế còn chỉ ra điểm gắn bó máu thịt giữa các thành viên nhóm máu hiếm. Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nếu có người hiến máu hiếm thì sẽ để đông lạnh ở nhiệt độ sâu, có thể trữ máu được 10 năm. Nhưng Việt Nam chưa thể thực hiện được kỹ thuật ấy bởi máy móc rất đắt và quy trình phức tạp.

“Nếu sử dụng kỹ thuật này thì một đơn vị máu hiếm có giá tới vài triệu đồng. Thực tế, nhu cầu máu cần nhiều nên để phù hợp với điều kiện nước ta và sử dụng kịp thời lượng máu phục vụ cấp cứu và điều trị thì nên thành lập Ngân hàng máu sống sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào”- Thạc sĩ Trần Ngọc Quế nói.

Người tích cực nhất, đồng thời là Phó chủ nhiệm CLB, rất bất ngờ với chúng tôi, lại là một cô sinh viên nhỏ nhắn của khoa Kế toán, ĐHDL Thăng Long- Đỗ Thị Thuỳ Dung. 22 tuổi, em đã có tới 12 lần hiến máu. Cũng như Châu Giang, Thuỳ Dung sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào Viện Huyết học gọi.

Phụ nữ nhóm máu Rh- sau khi sinh con đầu lòng 72 giờ phải tiêm ngay thuốc kháng thể antiRh (D) immunoglobulin để phòng cho lần sinh bé thứ hai được an toàn không bị tai biến, dị dạng.

 

Việc mua thuốc antiRh(D) ở Việt Nam rất khó, hầu hết những sản phụ có nhóm máu Rh- muốn sinh con thứ 2 phải mua thuốc ở nước ngoài.

Trường hợp ấn tượng nhất với Dung là lần em và 3 bạn trong CLB máu hiếm trực tiếp hiến 4 đơn vị máu cứu sản phụ Lê Ngọc Lan (ở 25 Bát Đàn, Hà Nội) khi chị Lan bị tai biến tan máu sau sinh cháu bé thứ hai. “Khi chị khoẻ lại, chị đã trở thành thành viên CLB của chúng em và sau đó đã hiến máu 2 lần”, Dung nói.

Tuy nhiên, Dung cũng tiết lộ, khi cần hiến máu, các thanh niên chưa lập gia đình thường xung phong hiến trước, những người có gia đình, có con nhỏ thì khi nào thật cần thiết mới gọi đến họ.

Dù đã nhiều lần hiến máu, kể cả trong trường hợp khẩn cấp khi Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư gọi nhưng Dung và các thành viên trong CLB không hề hỏi ai đã nhận máu của mình. “Vì không biết ai là người nhận máu nên chúng em không bao giờ nhận lời cảm ơn, quà tặng nào cả, chúng em hiến máu từ sự chân thành của trái tim!”, Dung tâm sự.

Thế giới xác định trên 40 hệ nhóm máu khác nhau, trong đó phố biến nhất là nhóm ABO và Rh, những nhóm máu hiếm khác thì chưa phát hiện thấy hoặc phát hiện với tỷ lệ cực nhỏ ở VN. Tỷ lệ nhóm máu của người Việt Nam theo hệ Rhesus: nhóm Rh+ (99,6%), nhóm Rh-(0,04%).

 

Trước kia, khi chưa phát hiện những người có máu Rh-, mỗi lần cấp cứu, truyền máu cho bệnh nhân có nhóm máu Rh- là Viện Huyết học - Truyền máu TƯ phải đánh công văn “xin” máu ở các Đại sứ quán các nước Châu Âu. Hiện tại, Viện đang phát triển những CLB những người có nhóm máu hiếm.

 

Khi thực hiện lấy máu, phát hiện có nhiều người có máu Rh- thì cố gắng khoanh vùng (nhất là ở các tỉnh), lưu thông tin để vận động hiến máu khi cần thiết.

 

Thanh - Huyền