Những hiểu lầm trong chế biến thực phẩm

(Dân trí) - Nhiều người chú ý đến việc làm thế nào để tránh xa những thực phẩm độc hại nhưng phần nhiều lại không quan tâm tới những hướng dẫn đơn giản trong việc làm và giữ sạch thực phẩm.

Mayone là nguồn lây bệnh nguy hiểm

 

Sự thật: Mayone không phải là thực phẩm độc, đó là do vi khuẩn. Và vi khuẩn luôn “hâm mộ” các loại thực phẩm giàu protein và ở nhiệt độ 4 - 60oC.

 

Các loại mayone bán sẵn trên thị trường rất an toàn và nguy cơ vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi chỉ tăng lên đối với các thực phẩm trộn mayone khi bạn đi picnic... và bảo quản thực phẩm mang theo với nhiệt độ trên 4,5oC.

 

Cách tốt nhất là đừng trộn các loại thực phẩm với mayone tại nhà mà hãy để từng phần riêng rẽ và khi đến nơi mới bỏ ra trộn với mayone”, TS. Mildred Cody, trưởng khoa Dinh dưỡng ĐH bang Georgia khuyên.

 

Rửa tay trước khi chế biến là đảm bảo an toàn thực phẩm

 

Sự thật: Tay cần được rửa thường xuyên và liên tục, trước, trong và sau khi chạm vào thực phẩm; sau khi vào nhà tắm, thay khăn tắm hay chạm vào các con vật nuôi trong nhà.

 

Yêu cầu tối thiểu là phải rửa tay với xà phòng và nước ấm; dùng khăn giấy chuyên dụng lau sạch các kẽ móng tay, kẽ ngón tay và cả cổ tay.

 

Đun trứng chín kỹ là đảm bảo an toàn

 

Sự thật: Bạn có cảm giác an toàn khi nghĩ rằng mình đã đun trứng thật kỹ nhưng không hẳn.

 

Nấu trứng, ngoài màu sắc, bạn nên chú ý tới sự tách biệt giữa lòng trắng và lòng đỏ. Khi 2 phần này tách rời khỏi nhau và lòng đỏ đông đặc thì lúc này trứng mới đảm bảo an toàn.

 

Cùng 1 lúc có thể chế biến nhiều thứ mà không cần phải rửa thớt, dao, đĩa đựng

 

Sự thật: Thị sống và các thực phẩm khác đều chứa rất nhiều vi khuẩn có thể lây nhiễm sang thực phẩm khác nếu nó không được để riêng rẽ. Hãy dùng các vật dụng, thớt và các đồ đựng riêng rẽ khi đựng thịt và các thực phẩm khác hoặc rửa kỹ tay và toàn bộ đồ dùng trước khi bắt tay vào chế biến một thực phẩm mới. Giẻ rửa bát cũng cần được rửa kỹ sau khi đã dùng để rửa các đồ dùng chế biến thịt.

 

Tay bẩn, khăn lau bát đĩa, giẻ rửa bát cũng có thể nhiễm khuẩn và truyền khuẩn nếu chúng không được giặt tẩy hằng ngày. Hãy chắc rằng mọi thứ đã được làm sạch trước khi bạn bắt đầu chế biến một loại thực phẩm mới.

 

Bảo quản thực phẩm, chỉ cần duy trì nhiệt độ thích hợp

 

Sự thật: “Vi khuẩn sinh sôi mạnh nhất khi ở nhiệt độ 4 - 60oC và khi thời tiết ấm nóng, bạn tổ chức ăn ngoài trời thì cần phải duy trì nhiệt độ bảo quản thực phẩm dưới 4,5oC", chuyên gia về an toàn thực phẩm Cody nói.

 

Các loại thịt sống cần được để riêng, không để lẫn với các thực phẩm khác và tránh xa khu vực để đồ tráng miệng. Bạn có thể bảo đảm nhiệt độ dưới 4,5oC bằng cách dùng các túi đựng đá và để thịt lên trên túi trong khi chờ nấu chín.

 

Nhìn cảm quan hoặc ấn vào biết là thịt chín hay chưa

 

Sự thật:  Thậm chí ngay cả những đầu bếp chuyên nghiệp nhất cũng không thể nói chính xác rằng thịt đã chín bằng cách nhìn hoặc sờ. “Chỉ có một cách duy nhất để biết quá trình gia nhiệt đã đủ để tiêu diệt vi khuẩn chưa là dùng nhiệt kế”, Cody nói.

 

Bà cảnh báo việc gia nhiệt lớn để làm chín thịt nhanh (nướng lửa to) vì điều này sẽ chỉ tạo thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn.

 

Nhiệt độ đảm bảo an toàn khi làm chín thịt là 71oC.

 

Có thể để thực phẩm ngoài không khí trong khoảng 2 tiếng

 

Sự thật: Bởi vì vi khuẩn sinh sôi nhanh nhất ở nhiệt độ 4 - 60oC nên nếu để thực phẩm trong nhiệt độ phòng quá 2 giờ thì tốt nhất là bạn nên vứt chúng đi. Khi nhiệt độ phòng lên tới 32oC thì thực phẩm không được để quá 1 tiếng.

 

Cảm quan bình thường thì vẫn có thể ăn

 

Sự thật: Khi thực phẩm có mùi hoặc đổi màu, bạn sẽ dễ dàng nhận biết và sẵn sàng bỏ ngay chúng vào thùng nước gạo tuy nhiên, ngay cả khi thực phẩm vẫn giữ nguyên màu sắc thì không có nghĩa rằng chúng an toàn. Tốt nhất là khi nghi ngờ hãy bỏ đi, đừng tiếc.

 

Chỉ cần rửa qua thực phẩm đông lạnh

 

Sự thật: Các thực phẩm đông lạnh luôn giữ được vẻ tươi ngon nhưng không có nghĩa rằng chúng sạch sẽ.

 

Hãy rửa chúng dưới vòi nước chảy, dùng bàn chải chuyên dụng để cọ các loại rau củ, như thế sẽ hạn chế được tác hại của vi khuẩn.

 

Quả có vỏ dày không cần rửa

 

Sự thật: Các loại thực phẩm có vỏ như chuối thì không cần rửa vỏ trừ khi bạn định cắt nhỏ chúng. “Vi khuẩn từ vỏ có thể sẽ nhiễm vào ruột quả qua dao. Đối với các loại dưa hay các loại quả có vỏ dày thì việc rửa sạch trước khi bổ là rất cần thiết”.

 

Nhân Hà

Theo WebMD