Những điều cần biết về hôn mê do bệnh tiểu đường

(Dân trí) - Hôn mê trong bệnh tiểu đường thường là do lượng đường trong máu rất thấp hoặc rất cao – tương ứng với hôn mê hạ đường huyết và hôn mê tăng đường huyết.

Hôn mê là tình trạng mất tri giác trong đó người bệnh không đáp ứng và không thể đánh thức.​ Mặc dù người đó còn sống, có hoạt động não tối thiểu. Nhưng mắt sẽ nhắm, không có bất kỳ phản ứng nào với tiếng động hoặc đau. Mất khả năng giao tiếp, không có cử động tự chủ và giảm các phản xạ cơ bản như ho và nuốt. Người bệnh có thể thể tự thở, mặc dù một số cần thở máy.

Thang điểm hôn mê Glasgow thường được dùng để đánh giá mức độ tri giác. Thang điểm này bao gồm đánh giá chuyển động của mắt, trả lời khi gọi hỏi và cử động tự chủ theo yêu cầu. Tổng điểm là 15 và phần lớn người bị hôn mê có tổng điểm từ 8 trở xuống.

Những điều cần biết về hôn mê do bệnh tiểu đường - 1

Hôn mê hạ đường huyết

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu thấp hơn bình thường, do mất cân bằng giữa cung cấp, sử dụng đường và nồng độ insulin. Hạ đường huyết là tác dụng phụ hay gặp nhất của insulin và các sulphonylurea sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường.

Bệnh nhân tiểu đường týp 1 có thể bị hai cơn hạ đường huyết nhẹ mỗi tuần. Tỷ lệ bị hạ đường huyết nặng hàng năm trong những quần thể ngẫu nhiên đã được báo cáo ở mức 30-40%, nhất quán trong nhiều nghiên cứu lớn .

Hạ đường huyết nặng ít gặp trong bệnh tiểu đường týp 2 điều trị insulin, nhưng đây vẫn là một vấn đề đáng chú ý trên lâm sàng. Bệnh nhân tiểu đường týp 2 điều trị insulin dễ phải nhập viện vì hạ đường huyết nặng hơn bệnh nhân tiểu đường týp 1 .

Hôn mê hạ đường huyết dễ xảy ra nếu đường huyết không được theo dõi đầy đủ; quá liều insulin hoặc sulphonylurea; ăn uống không đều đặn; chán ăn; nôn; gắng sức nhiều; chức năng gan hoặc thận suy giảm; và/hoặc uống rượu.

Các thuốc như warfarin, salicylat, fibrate, sulphonamide (bao gồm cotrimoxazole), NSAID (thuốc chống viêm không steroid) và SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc) cũng có thể gây hạ đường huyết.

Triệu chứng có thể khác nhau, nhưng cần nghĩ tới trên bất kì bệnh nhân tiểu đường nào đột nghiên thấy không khỏe, lơ mơ, mất tri giác, không thể phối hợp hoặc đến khám với hành vi hung hăng hoặc co giật.

Mọi bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết cần được điều trị ngay để hồi phục đường huyết về mức bình thường.

Cần dùng ngay một carbohydrat tác dụng nhanh, tiếp theo là carbohydrat tác dụng kéo dài, ở dạng ăn nhẹ hoặc ăn trong bữa chính.

Đo đường huyết để xác nhận tình trạng hạ đường huyết. Nếu khó đo, ví dụ trong trường hợp bệnh nhân bị co giật, Không nên trì hoãn điều trị.

Sau khi điều trị cấp cứu, cần xác định xem tình trạng hạ đường huyết có kéo dài không, ví dụ như là hậu quả của insulin hoặc sulphonylurea tác dụng kéo dài, trong trường hợp này sẽ cần truyền liên tục dextrose để duy trì nồng độ đường trong máu.

Để ngăn chặn hôn mê hạ đường huyết, cần điều trị mọi trường hợp đường huyết dưới 4 mmol/L.

Hôn mê do nhiễm toan trong bệnh tiểu đường (DKA)

Nhiễm toan tiểu đường (DKA) xảy ra khi đường huyết lên rất cao (thường trên 17mmol/L ) và mức xeton cao, thường xảy ra khi cơ thể không sử dụng được glucose trong máu vì không có đủ insulin. Thay vào đó, cơ thể giáng hóa chất béo như một nguồn năng lượng thay thế, gây ra tình trạng ứ đọng những phụ phẩm gây hại gọi là xeton.

Những tác nhận chính gây DKA bao gồm nhiễm trùng như nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm dạ dày ruột, cúm hoặc viêm phổi; mất liều insulin do máy tiêm bị trục trặc; mới thay đổi chế độ điều trị; và bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán, thường là týp 1.

Những tác nhân khác ít gặp hơn bao gồm sử dụng ma túy và một số thuốc như steroid, cũng như đau tim, đột quỵ và bia rượu quá nhiều.

DKA hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường týp 1 và đôi khi có thể xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường týp 2. Nó cũng có thể xảy ra ở những người trước đó chưa có chẩn đoán bệnh tiểu đường. Tình trạng này phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Các đặc điểm của DKA bao gồm đi tiểu nhiều, cảm thấy rất khát nước, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, khó thở và mất phương hướng, tiếp theo mất ý thức và hôn mê.

Điều trị bao gồm insulin, bù nước bằng truyền dịch tĩnh mạch, và điều chỉnh sự thiếu hụt muỗi khoáng như kali. Các biến chứng của DKA như suy thận cấp, phù não và suy hô hấp cấp được điều trị phù hợp.

Hôn mê tăng đường huyết tăng áp lực thẩm thấu

Tăng áp lực thẩm thấu tăng đường huyết (HHS) thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường týp 1 hoặc 2 kiểm soát bệnh kém, nhưng hay gặp hơn ở bệnh nhân tiểu đường týp 2.

Trước đây tình trạng này được gọi là hôn mê tăng áp lực thẩm thấu tăng đường huyết không xeton (HHNC). Song thuật ngữ đã thay đổi vì hôn mê chỉ thấy ở chưa đến 20% bệnh nhân HHS.

HHS ít gặp hơn DKA. Nó thường được kích hoạt bởi các bệnh – trong đó hay gặp nhất là nhiễm trùng - dẫn đến giảm lượng dịch hấp thu.

Khi đường huyết tăng trong HHS, cơ thể đào thải glucose thừa bằng cách tăng lượng nước tiểu . Sau đó, nước tiểu bị cô đặc khi mất nước diễn ra kèm theo khát nhiều. Cuối cùng, co giật và HHNC xảy ra, và hậu quả sẽ là ử vong nếu HHNC không được điều trị.

HHS có thể tiến triển trong vài ngày hoặc vài tuần. Các đặc điểm của HHS bao gồm khô miệng; cực kì khát; da khô nóng mà không ra mồ hôi và sốt cao; và sau đó là lú lẫn; nhìn mờ; yếu một bên người; co giật và hôn mê.

Đường huyết thường trên 33 mmol/L. Điều trị HHS bao gồm bù nước tích cực; duy trì cân bằng điện giải; chỉnh tình trạng tăng đường huyết; điều trị bệnh lý nền; hỗ trợ tim mạch - hô hấp , thận và chức năng của hệ thần kinh trung ương .

Các biện pháp phòng ngừa

Các đặc điểm của HHS và DKA chồng lấn lên nhau ở khoảng 1/3 số ca bệnh và được thấy đồng thời. Điều này gợi ý rằng hai trạng thái của bệnh tiểu đường kiểm soát kém chỉ khác nhau về mức độ mất nước và mức độ nặng của nhiễm toan.

Những biện pháp sau có thể ngăn ngừa hôn mê hạ đường huyết và hôn mê tăng đường huyết:

-Đảm bảo bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt

-Đi khám bác sĩ đúng hẹn

-Biết về các triệu chứng của đường huyết cao và thấp

-Kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn khi bị ốm

-Tiếp tục dùng insulin và sulphonylureas khi bị ốm

-Luôn giữ đủ nước

-Chỉ uống rượu ở mức vừa phải, hay tốt hơn là tránh uống rượu, nhất là sau khi gắng sức nhiều

Cẩn thận với hạ đường huyết vào ban đêm sau tập thể dục, nếu sử dụng insulin hoặc sulfonylurea

Kiểm tra xeton nếu đường huyết cao trong bệnh tiểu đường týp 1. Nói chung, đường huyết 11 mmol/L trở lên là dấu hiệu của tăng nguy cơ DKA.

Điều quan trọng nhất cần nhớ là phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Cẩm Tú

Theo Asiaone