Những điều cần biết về chất chống ôxy hoá

(Dân trí) - Chất chống ôxy hoá ngày càng được nói đến nhiều bởi những lợi ích đặc biệt của nó đối với sức khoẻ. Vậy chất chống ôxy hoá là gì và có ở đâu? Tại sao nó lại thiết yếu đối với cơ thể và những ai đặc biệt cần loại chất này?

Những điều cần biết về chất chống ôxy hoá - 1


Chất chống ôxy hoá là gì?

 

Chất ôxy hoá còn gọi là các gốc tự do sinh ra từ quá trình chuyển hoá trong cơ thể và gây hại cho các tế bào.

 

Thông thường, hệ thống các chất chống oxy hoá có sẵn trong cơ thể sẽ trung hoà, vô hiệu hoá các gốc tự do này, giúp “thanh lọc” cơ thể. Đó là các vitamin C, E, kẽm, selen… Tuy nhiên, khi các gốc tự do sinh ra quá nhiều và hệ thống chất chống oxy hoá bị suy yếu thì  cơ thể sẽ bị nguy hại. Trong trường hợp này, cơ thể cần được bổ sung các chất chống ôxy hoá để phòng bệnh, chống lão hoá và tăng cường sức đề kháng.

 

Các chất chống ôxy hoá này có rất nhiều trong rau và các loại hoa quả tươi.

 

“Thủ phạm” làm gia tăng các gốc tự do?

 

Tuổi già là một trong những nguyên nhân chính làm số lượng các gốc tự do tăng lên.

Ngoài ra, là các bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, bệnh béo phì, bệnh thoái hoá, các bệnh về mắt hay do suy giảm hệ miễn dịch. Chính vì vậy mà những người già và những người mắc các bệnh mạn tính này cần bổ sung nhiều chất chống oxy hoá hơn so với những người khoẻ mạnh.

 

Việc ăn thiếu thực phẩm chứa chất oxy hoá cũng có thể làm cho số lượng các gốc tự do tăng lên.

 

Chất chống oxy hoá có ở đâu?

 

Cơ thể chúng ta không tự sản sinh ra được các vitamin chống oxy hoá mà chúng ta phải bổ sung thông qua thức ăn (vitamin C và E).

 

Ngoài ra các thực phẩm có chứa kẽm, mangan, selen sẽ làm sản sinh ra các chất chống ôxy hoá khác như superroxid, dismutase.

 

Những người có nguy cơ thiếu chất chống oxy hoá là những người ăn ít rau tươi, hoa quả và đặc biệt là ngũ cốc. Để tăng lượng chất chống ôxy hoá cho cơ thể, cần đa dạng hoá bữa ăn, tăng số lượng thực phẩm và bổ sung nhiều rau quả. Đặc biệt với những người có nguy cơ sản sinh nhiều gốc tự do, càng phải lưu ý điều này.

 

Thực phẩm giàu vitamin C: cam, chanh, quýt, cà chua, rau ngót, rau cải, rau mùi, rau bina…

 

Thực phẩm giàu vitamin E: các loại dầu thực vật, hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt điều, ngũ cốc, mầm lúa mỳ, đậu tương, giá đỗ, vừng…

 

Thực phẩm giàu selen: tôm, lòng đỏ trứng, thịt nạc, cá, sò, cua, hến, ngũ cốc…

 

Thực phẩm giàu bêta carotene: gấc, cà rốt, bí đỏ, rau dền, rau muống, đu đủ, xoài, …

 

Bích Ngọc

Theo Santé