Những điều cần biết khi uống nước quả

(Dân trí) - Nước ép trái cây không chỉ là loại nước uống bổ dưỡng mà còn hấp dẫn bạn bởi mùi vị và hương thơm của nó. Tuy nhiên, dù bổ dưỡng cũng không nên uống chúng một cách “tuỳ tiện” và “vô độ” bởi như vậy có thể gây hại cho sức khoẻ.

Những lưu ý cơ bản sau sẽ giúp bạn uống nước ép trái cây đúng cách và khoa học:

 

Nước Cà rốt

 

Nước ép cà rốt được xem như một loại nước ép bổ dưỡng hàng đầu vì nó có chứa hàm lượng lớn beta- carotene, vitamin B, kali, canxi, coban và những khoáng chất bổ dưỡng khác.

 

Nước ép cà rốt đặc biệt tốt cho trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch kém hay gặp phải những rắc rối đối với làn da.

 

Beta - carotene là một loại chất rất tốt cho thị lực. Tuy nhiên, bạn cần ăn thêm những loại thực phẩm có chứa chất béo sau khi uống loại nước ép này, bởi bằng cách này cơ thể bạn mới hấp thu các dưỡng chất vốn có của cà rốt một cách tuyệt đối nhất.

 

Bạn cần lưu ý không nên uống quá nhiều loại nước ép cà rốt vì “nạp” một lương beta- carotene quá lớn sẽ gây hại cho gan và da. Chính vì thế,  các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên uống nhiều hơn 0,5 lít nước ép cà rốt mỗi ngày.

 

Nước ép củ cải đường

 

Nước ép củ cải đường có chứa nhiều đường, vitamin C, P, B1, B2, PP, magiê ngoài ra nó còn chứa thêm các thành phần khác như sắt, photpho, muối mangan.

 

Hàm lượng magiê lớn trong nước ép củ cải đường có tác dụng loại bỏ stress, củng cố hệ thần kinh, trị chứng mất ngủ, điều trị chứng táo bón.

 

Tuy nhiên, nước ép củ cải đường lại dễ sinh ra những hợp chất gây hại cho sức khoẻ, đặc biệt là khi tương tác, tiếp xúc với bên ngoài không khí. Chính vì thế trước khi uống loại nước ép này, bạn nên giữ nó trong tủ lạnh từ 2 - 3 giờ.

 

Củ cải đường là loại thức uống bổ dưỡng nhưng đối với một số người có thể gây buồn nôn, khó chịu, chóng mặt. Cho nên, lần đầu tiên bạn chỉ nên uống một lượng rất nhỏ loại nước ép này, khoảng 1 thìa mỗi ngày sau đó tăng dần số lượng lên.

 

Trước khi uống bạn nên thêm nước đun sôi, ngoài ra bạn cũng có thể pha thêm cùng nước carot, cải bắp, táo, nước bí ngô.

 

Nếu mắc những chứng bệnh liên quan đến thận, tá tràng hay đường ruột thì không nên sử dụng loại nước ép này.

 

Nước cà chua

 

Nước ép cà chua không chỉ có tác dụng giúp cho làn da luôn trẻ, khoẻ đẹp và tươi sáng mà còn là phương thuốc hữu hiệu giúp bạn phòng ngừa nguy cơ bị ung thư, cung cấp một lượng lớn vitamin cho cơ thể.

 

Thêm vào đó, nước ép cà chua còn không có chứa calo nên thích hợp với những người béo phì hay đang trong giai đoạn giảm cân.

 

Loại nước này đặc biệt hữu ích đối với các bà bầu hay những bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú.

 

Bạn nên uống nước ép cà chua từ 20 - 30 phút trước bữa ăn để đẩy nhanh và tăng cường quá trình tiêu hoá về sau.

 

Tuy nhiên, những đối tượng cần tránh xa loại nước này là những người mắc bệnh viêm loét dạ dày, mắc bệnh về đường tiêu hoá, bệnh viêm túi mật cấp tính.

 

Nước bắp cải

 

Trong thành phần nước bắp cải có chứa một lượng tinh bột, vitamin C, folacyn và các amino axit. Ngoài ra nó còn có kali, natri, canxi, magiê và muối sắt. Đặc biệt trong nước bắp cải còn có sự góp mặt của vitamin U, có tác dụng phòng tránh chứng viêm loét dạ dày.

 

Nước ép bắp cải uống nóng có tác dụng chữa trị những chứng bệnh về đường ruột và tá tràng, nước bắp cải tươi có tác dụng như một loại nước súc miệng, giúp phòng tránh nguy cơ mắc phải những chứng bệnh về răng miệng.

 

Bạn có thể uống nước bắp cải 30 phút trước bữa ăn và dùng nó như một loại đồ uống trong bữa ăn, vài lần một ngày.

 

Nước táo

 

Nước táo có chứa vitamin C, P, kali, canxi, muối sắt, đồng, mangan, coban, kẽm. Đặc biệt nó đem lại những tác dụng tuyệt vời với bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, mắc bệnh gan, bàng quang, sỏi thận.

 

Bạn có thể uống nước táo mà không cần thiết phải quan tâm đến bất cứ điều kiện sức khoẻ nào của mình. Lượng nước táo tối đa mỗi ngày bạn có thể thu nạp là 1 lít mỗi ngày.

 

Nước nho

 

Nước nho có chứa lượng đường lớn và kali. Nước nho đen có chứa những chất có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Nếu thường xuyên uống nước nho đen sẽ giúp giảm hàm lượng cholesterol trong cơ thể và nguy cơ mắc các bệnh về động mạch.

 

Hơn thế nữa, nước nho cũng có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu vì thế hãy uống nửa cốc nước nho ép tươi mỗi ngày 3 lần trong vòng 3 tuần, bạn sẽ thấy những tác dụng rõ rệt. Trước khi uống nên pha loãng nó với tỷ lệ 1:1.

 

Tuy nhiên, bạn lại không nên uống nước nho khi bị viêm loét dạ dày vì nước nho có chứa một lượng axit nhất định, mắc bệnh về hệ tiêu hoá, tiểu đường, béo phì, các bệnh mãn tính về phổi.

 

Nước ép thuộc họ cam quýt

 

Ích lợi lớn nhất của những loại nước ép thuộc họ cam quýt này là có chứa hàm lượng lớn vitamin C, P, kali và folacyn. Nó có tác dụng tăng cường sinh lực, giảm mệt mỏi, tăng cường lưu thông máu. Loại nước ép như chanh, cam, quýt có khả năng chữa những bệnh như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, phòng ngừa ung thư.

 

Tuy nhiên, nếu mắc bệnh về đường ruột hay tá tràng, viêm dạ dày mãn tính thì không nên uống loại nước quả này. Ngoài ra, bạn cũng nên nhớ rằng loại nước trái cây này có tương tác và làm giảm tác dụng của thuốc. Vì thế không nên dùng chúng trong giai đoạn sử dụng thuốc điều trị, về vấn đề này nếu cần thiết có thể tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

 

Nước lựu

 

Nước lựu có tác dụng đặc biệt, hỗ trợ hệ tiêu hoá, tăng kích thích vị giác, tăng hàm lượng hemoglobin trong máu và chống nhiễm khuẩn. Rất hữu ích đối với những người mắc bệnh lợi tiểu, viêm nhiễm. Các chuyên gia khuyên bạn nên kết hợp loại nước lựu cùng với nước carot và nước củ cải đường.

 

Nước ép lựu nên pha loãng với nước lọc trước khi uống, hơn nữa bạn cũng nên nhớ rằng, nó có chứa một lượng axit nhất định và có thể phá hỏng men răng nếu uống quá nhiều.

 

Thu Hà

Theo WP