Những chốn vi khuẩn ưa thích trong nhà

(Dân trí) - Vi khuẩn có thể tồn tại ở những chốn mà bạn ít ngờ nhất, thậm chí ngay cả ở những nơi luôn được bạn lau chùi sáng bóng. Kết quả là dù rất chăm dọn nhà cửa nhưng 65% vẫn mắc cảm lạnh, 50% vẫn bị tiêu chảy.

Vậy những nơi nào vi khuẩn hay trú ngụ nhất? Đó không phải là phòng tắm mà là bếp. Thực tế cho thấy lượng vi khuẩn trên chiếc thớt cao gấp 200 lần so với xí bệt. Tại sao lạy vậy ư? Đó là vì chúng ta thường xuyên làm vệ sinh nhà tắm trong khi lại bỏ qua việc “tẩy uế” cho nhà bếp.

 

Các loại khăn bếp

 

Môi trường ẩm ướt của khăn lau bếp, lau bát, lau tay và giẻ rửa bát chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Dùng một chiếc khăn bẩn lau tay hay đĩa chính là cách lây truyền vi khuẩn nhanh nhất.

 

Vậy hãy thường xuyên thay các loại khăn bếp này. Tốt nhất nên vệ sinh chúng 1 lần/tuần. Phơi khô giữa mỗi lần sử dụng cũng giảm thiểu các vi sinh gây hại vì hầu hết các vi khuẩn chỉ tồn tại được vài tiếng trên bề mặt khô mà thôi. Tuy nhiên, trước khi phơi, bạn nên giặt chúng bằng các loại hóa chất chuyên dụng.

 

Có thể cho các loại khăn vào lò vi sóng trong 30 giây (khăn khô) - 60 giây (khăn ướt) để diệt khuẩn.

 

Thớt

 

Những vết cắt hằn trên thớt sẽ là nơi lý tưởng để cho vi khuẩn sinh sôi.

 

Việc làm sạch dụng cụ làm bếp này cần hết sức cẩn thận. Nếu dùng thớt để thái các loại thịt cá sống thì cần làm vệ sinh kỹ trước khi muốn tiếp tục thái rau.

 

Để làm sạch thớt, đầu tiên cần gột sạch các thức ăn còn bám lại trên thớt bằng nước nóng. Sau đó đổ 1 thìa clo đã trộn cùng với ¼ thìa nước lên mặt thớt, rửa sạch bằng nước lã và để cho khô.

 

Nên có 2 chiếc thớt trong bếp: một chiếc chuyên dùng để sơ chế các loại thịt sống, chiếc còn lại để thái rau và hoa quả.

 

Bề mặt bàn bếp

 

Trông thì có thể sạch sẽ nhưng bề mặt bếp chính là nơi vi khuẩn hoạt động sôi nổi nhất, đặc biệt là khi bạn lau mặt bếp bằng các loại khăn bẩn.

 

Vòi nước và tay cầm vòi nước luôn là nơi trú ngụ của vô cùng nhiều loại vi khuẩn gây hại.

 

Vậy nên, hãy thường xuyên làm sạch bàn bếp bằng nước nóng và xà phòng hoặc có thể dùng clo pha với nước.

 

Nắm đấm cửa, điều khiển tivi, tay cầm tủ lạnh và một vài đồ dùng ta đình khác trong nhà luôn là những “tổ ấm” của các loại vi khuẩn có hại. Chúng có thể tồn tại trên các bề mặt vật dụng này từ 2 ngày trở lên.

 

Đây là kết luận trong một nghiên cứu của trường ĐH Virginia (Mỹ) và được báo cáo trong hội thảo về các bệnh truyền nhiễm tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ.

 

Nghiên cứu này đã khảo sát về thói quen sử dụng cũng như tiếp xúc với các vật dụng trong nhà của 30 người hay mắc cảm cúm. Sau đó, họ tiến hành khảo sát ngôi nhà của các tình nguyện viên, tìm kiếm sự tồn tại của các vi khuẩn trên vật dụng như chìa khóa, tay vịn cầu thang, nắm đấm cửa...

 

Kết quả cho thấy: 6/10 nắm đấm cửa, 8/14 tay cầm tủ lạnh, 3/13 công tắc đèn, 6/10 điều khiển tivi, 8/10 vòi nước trong phòng tắm, 4/7 tay cầm điện thoại, 3/4 tay cầm máy rửa bát và 3/3 lọ muối và tiêu đều có vi khuẩn gây hại.

 

Một nghiên cứu độc lập khác cho thấy vi rút cảm lạnh có mặt ở 20% trong tổng số đồ chơi được kiểm tra.

Chặn rác trong bồn rửa bát

 

Chặn rác của cả bồn rửa bát và bồn tắm đều là những môi trường vi khuẩn yêu thích.

 

Dùng baking soda và một chiếc bàn chải cũ để cọ rửa khu vực này hằng ngày.

 

Tay nắm cửa

 

Vi khuẩn thường lưu cữu trên những nắm đấm cửa hay các loại tay cầm mở cửa như tay cầm tủ lạnh. Bất kỳ ai cũng có thể truyền vi khuẩn từ tay mình sang nắm đấm cửa và gây bệnh cho người khác, đặc biệt là nếu người đó không rửa tay sau khi đi vệ sinh, vừa sờ vào thức ăn tươi sống.

 

Rửa tay thường xuyên, thậm chí là ngay cả khi tay trông không bẩn, nhưng nhớ là không lạm dụng vì nếu các axit béo trong da bị rửa sạch thì lại tạo cơ hội cho các vi khuẩn tấn công cơ thể.

 

Không nhất thiết phải dùng xà phòng diệt khuẩn, bạn chỉ cần dùng các loại xà phòng bình thường để rửa tay.

 

Vệ sinh nắm đấm cửa và tay cầm tủ lạnh bằng khăn mềm có thấm nước clo.

 

Bàn chải đánh răng

 

Điều quan trọng nhất là bạn cần thay bàn chải sau 3 tháng sử dụng vì không chỉ vi khuẩn chất đống mà bản thân lông bàn chải cũng trở nên xơ cứng.

 

Thay bàn chải sau mỗi lần mắc các bệnh do vi khuẩn, vi rút để tránh tái nhiễm.

 

Lưu ý là chớ có nhìn đâu cũng thấy vi khuẩn rồi đem tẩy uế liên tục mọi đồ dùng trong nhà vì khi đó sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể do cả vi khuẩn tốt lẫn vi khuẩn xấu đều bị tiêu diệt.

 

Thu Trang

Theo jucieguy & health24