Những cán bộ y tế dự phòng xông pha vào tâm dịch

Trường Thịnh

(Dân trí) - Để góp phần kiểm soát Covid-19 tại Việt Nam, ngay sau khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, đội điều tra, giám sát dịch của Bộ Y tế đã được cử ngay vào “điểm nóng”, ngày đêm không ngủ, nỗ lực chạy đua với thời gian…

Những ngày đêm “không ngủ” của đội điều tra giám sát dịch

Những ngày bình yên đang dần trở lại Đà Nẵng sau nhiều ngày địa phương này không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Để khống chế dịch thành công, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các bộ, ngành và ý thức của người dân, không thể không nhắc đến những “chiến sĩ” y tế dự phòng đã “xông pha” vào điểm nóng, đối diện với những nguy cơ lây nhiễm hàng ngày.

Ngay từ cuối tháng 7, khi tình hình dịch bệnh căng thẳng với các ca nhiễm liên tục ghi nhận, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã dẫn đầu Đội điều tra giám sát dịch vào TP Đà Nẵng, cùng thành viên của Bộ Y tế là các chuyên gia của Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục Y tế dự phòng…

Những cán bộ y tế dự phòng xông pha vào tâm dịch - 1

Đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế làm việc tại Đà Nẵng

Với hàng ngàn mẫu bệnh phẩm, các chuyên gia của Đội điều tra giám sát dịch đã trải qua những ngày đêm “không ngủ”, nỗ lực từng giây, từng phút để phối hợp, giúp các đơn vị xét nghiệm cho ra kết quả sớm và chính xác nhất. Từ đó nhanh chóng cách ly, khoanh vùng các ổ dịch trên địa bàn.

Ngoài ra, Đội điều tra giám sát dịch còn tổ chức điều tra các trường hợp bệnh, xử lý ổ dịch; khoanh vùng kiểm soát; lập danh sách, thực hiện cách ly, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp bệnh đã xác định hoặc trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; thực hiện tiêu độc khử trùng tại tất cả các trường học, bệnh viện, cơ sở kinh doanh, khu vực công cộng, hộ gia đình và khu dân cư; tuyên truyền, khuyến cáo người dân tự phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khẩu trang đúng cách…

Không chỉ tại Đà Nẵng, ở bất cứ đâu, khi nguy cơ Covid-19 xâm nhập, bùng phát, đều có dấu chân của những cán bộ dịch tễ, y tế dự phòng...

Trước đó, hồi tháng 4, bệnh nhân 262 – công nhân của Công ty Samsung Display bị phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2, Đoàn làm việc của Cục Quản lý Môi trường Y tế đã ngay lập tức có mặt trực tiếp, chỉ đạo, hướng dẫn Công ty trong công tác khoanh vùng, xử lý ổ dịch, rà soát phân loại được 221 trường hợp tiếp xúc gần F1 đưa đi cách ly, 1112 trường hợp F2, phun hóa chất toàn bộ môi trường và hàng ngày rà soát thân nhiệt toàn bộ công nhân làm việc tại công ty…

Tại Thái Nguyên, Cục Quản lý Môi trường Y tế đã tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH SAMJU VINA về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Đoàn công tác cũng đến khu nhà trọ của công nhân tại xã Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên để kiểm tra, hướng dẫn và động viên họ tuân thủ chặt chẽ các quy định để kiểm soát bệnh dịch.

Tại Hải Phòng, đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có nhiều đơn vị của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc tại Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng, Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng và đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại các Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng, kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Đoàn cũng kiểm tra thực tế công tác quản lý nhập cảnh và cách ly y tế tập trung cho chuyên gia tại Bệnh viện Việt Tiệp Cơ sở 2 (xã An Đồng, huyện An Dương), kiểm tra thực tế công tác quản lý nhập cảnh và cách ly y tế cho chuyên gia tại Khách sạn thuộc Khu nghỉ dưỡng Sông Giá (xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên).

Gian nan bước vào trận chiến mới

Trở về từ “điểm nóng” sau những ngày “chiến đấu” không mệt mỏi với Covid-19, những cán bộ y tế thuộc đội điều tra, giám sát dịch lại tiếp tục bước vào trận chiến mới. Đó là tham gia xây dựng, hướng dẫn phòng chống dịch khi Việt Nam đang thiết lập trở lại trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang là thách thức trên toàn cầu, làm sao để đảm bảo an toàn tại những nơi tập trung đông người như bệnh viện, trường học, công sở, nơi công cộng… là bài toán không hề đơn giản.

Những cán bộ y tế dự phòng xông pha vào tâm dịch - 2
Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Thái Nguyên

Đặc biệt, Việt Nam chính thức triển khai nối lại một số đường bay tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc từ ngày 15/9 và Capuchia, Lào từ ngày 22/9. Do đó, để đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh có thể lây lan ra cộng đồng, công tác cách ly, sàng lọc, xét nghiệm, giám sát người nhập cảnh tiếp tục trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đối với đội ngũ giám sát dịch.

Theo đó, người nhập cảnh ngay khi tới sân bay, cửa khẩu phải được đo thân nhiệt, kiểm tra y tế, khai báo y tế. Khu vực lấy mẫu ở cửa khẩu phải riêng biệt, được tổ chức phân luồng di chuyển tới khu xét nghiệm… Trong trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính, người bệnh phải nhanh chóng thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và chăm sóc điều trị theo quy định.

Đội ngũ y tế điều tra, giám sát dịch cũng có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc tiến hành hướng dẫn và giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch tại các khách sạn làm khu cách ly tập trung có thu phí. Bởi, không ít chuyên gia lo lắng, nếu buông lỏng, chủ quan thì các khách sạn, khu resort được phép làm khu cách ly tập trung có thể sẽ trở thành nguồn lây nhiễm ra cộng đồng. Cần đảm bảo các cơ sở này quản lý nhập cảnh theo đúng quy định, tổ chức phân luồng nghiêm túc, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong quá trình tiếp đón, phục vụ khách trong thời gian lưu trú…

Vừa qua Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan cũng đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra quản lý công tác quản lý nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế đối với chuyên gia (và người nhà) vào Việt Nam làm việc tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.

Doanh nghiệp tiếp sức mạnh cho ngành y, hướng về tâm dịch

Càng trong những lúc khăn vất vả, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam càng được nâng cao, từ đó tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng của ngành y vững vàng vượt qua dịch bệnh. Đã có không ít doanh nghiệp chủ động hướng về các điểm nóng, tâm dịch để chung tay hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng.

Một trong những đơn vị tiếp sức cùng các cán bộ y tế phòng chông dịch nơi tuyến đầu là Unilever Việt Nam, với hàng trăm tấn sản phẩm đã được điều động đến Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng ngay khi dịch bệnh bùng phát tại đây. Số hàng hóa hỗ trợ của Unilever gồm các sản phẩm vệ sinh thiết yếu như xà phòng và nước rửa tay diệt khuẩn Lifebuoy, các sản phẩm chăm sóc răng miệng P/S, nước tẩy rửa Vim, bột giặt OMO và dầu gội đầu Clear. Unilever cho biết tổng số hàng công ty tăng cường hỗ trợ lần này có thể giúp khoảng 12.000 người tăng cường điều kiện vệ sinh, khử khuẩn cho các bác sĩ, bệnh nhân và người nghi nhiễm trong khu cách ly, ngăn chặn sự lây lan COVID-19.

BS Phan Hữu Phước - Phòng Công tác xã hội Bệnh viện bày tỏ sự cảm động khi nhận được hỗ trợ trong khi đơn vị này vẫn đang trong thời gian phong tỏa, cách ly. “Nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ phía Unilever, chúng tôi rất cảm động. Sự hỗ trợ này như đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để chiến thắng đại dịch. Bệnh viện Đà Nẵng quyết tâm chiến thắng đại dịch sớm nhất có thể”.

Cùng Vững vàng Việt Nam chung tay đẩy lùi dịch bệnh

“Vững vàng Việt Nam” là chương trình được Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam phát động từ cuối tháng 4/2020. Chương trình nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, tăng cường điều kiện vệ sinh thông qua việc duy trì thói quen vệ sinh của người Việt, từng bước thích nghi để sẵn sàng cho một thực tiễn bình thường mới. Đặt mục tiêu tiếp cận ít nhất 25 triệu người, “Vững vàng Việt Nam” sẽ tiếp tục cổ vũ và biểu dương quyết tâm, tinh thần đoàn kết, lạc quan của người dân đồng lòng cùng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành và chính quyền địa phương chiến thắng dịch bệnh.