Những bộ phận cơ thể muốn “quẳng đi”

(Dân trí) - Từ đầu đến chân của chúng ta hiện có đến 5 bộ phận, 2 phản xạ vô dụng, thậm chí có bộ phận còn gây ra phiền toái cho một số người như răng khôn.

Những bộ phận cơ thể muốn “quẳng đi” - 1

Hình ảnh của con người hôm nay là kết quả của 1 quá trình tiến hoá suốt 6 triệu năm qua và chẳng có gì ngạc nhiên khi cơ thể của chúng ta đã thay đổi hoàn toàn so với hàng triệu năm trước.

Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng tốt hơn. Bởi có những bộ phận cơ thể đã từng rất hữu ích nhưng qua tiến hoá lại trở nên vô dụng.

Xương cụt

Với khả năng tự cân bằng hoàn hảo, con người không còn cần đến đuôi nữa.

Vậy nhưng chiếc đuôi này lại xuất hiện ở giai đoạn 5-8 tuần thai và rồi tiêu biến, trở thành một phần của đốt sống khi chúng ta chào đời với cái tên xương cụt.

Núm vú của nam giới

Một trong những cách giải thích về sự "có mặt" của núm vú ở nam giới là bởi họ có thể trở thành nữ giới trong 60 ngày đầu tiên thai kỳ. Ở thời điểm đó, 2 giới đều phát triển giống hệt nhau và sau đó, nhiễm sắc thể Y mới được kích hoạt để hình thành bộ phận sinh dục nam, xác định rõ giới tính của bào thai.

Do núm vú chẳng gây ra bất kỳ phiền toái hay nguy cơ nào nên nó chưa bao giờ bị quá trình chọn lọc tự nhiên “ghét bỏ”. Vì thế cánh mày râu vẫn mang chúng cho tới tận ngày nay.

Răng khôn

Hàm của chúng ta ngày càng nhỏ lại bởi chúng ta không còn ăn đồ sống hay đồ cứng và kết quả là răng khôn không còn “đất” để “đứng” và thậm chí những chiếc răng khác đôi lúc cũng phải “chen chúc” nhau.

Các chuyên gia cho rằng răng khôn cần được quan tâm đặc biệt và cách tốt nhất là nhổ bỏ để tránh những vấn đề phiền toái mà nó có thể gây ra do mọc lệch, mọc xiên.

Nổi da gà

Thuỷ tổ loài người có khả năng tự giữ ấm cơ thể qua lớp lông dày bao bọc quanh thân. Và việc “xù lông” (phản xạ lỗ chân lông tự co thắt) không chỉ có tác dụng giữ ấm mà còn làm họ trở nên to lớn, dữ tợn, khiến cho kẻ thù phải sợ hãi.

Mí mắt thứ ba

Ở góc mắt ngay sát mũi có 1 vạt da thừa, đây chính là 1 nếp gấp hay màng mắt. Hiện nó chẳng có tác dụng gì với chúng ta nhưng ở loài chim và bò sát, chúng giúp bảo vệ, giữ cho mắt ẩm trong khi vẫn có thể quan sát.

Phản xạ nắm bắt

Nếu đặt một thứ bất kỳ vào tay của em bé, trẻ sẽ túm chặt lấy. Chúng túm chặt đến mức các nhà khoa học tin rằng nếu để tóc dài, người mẹ sẽ rảnh cả 2 tay để làm mọi việc vì bé sẽ nắm chặt lấy tóc như khỉ đu cây.

Cơ chuyển động ở tai

Nếu như một số loài vật phải di chuyển tai liên tục để nghe ngóng được rõ hơn thì với một số người có khả năng đặc biệt như vẫy tai, di chuyển tai theo các hướng lại không giúp cải thiện nhiều khả năng nghe.

Đó là lý do vì sao đa phần con người ngày nay không còn sử dụng khối cơ chuyển động tai này nữa.

Nhân Hà

Theo independent