Nhớ nhiều, tốt hay không?

(Dân trí) - Có lúc nào bạn quên bẵng một cuộc hẹn quan trọng hay bỗng dưng "tắc tịt" với điều mình đang định nói? Khoa học hiện đại nói rằng: Quá nhiều ký ức “dài hạn” sẽ “làm khó” cho việc chọn lọc những thông tin mới cũng như tiếp nhận những ký ức “ngắn hạn”.

Tại Trung tâm Y khoa ĐH Columbia, người ta đã tiến hành một cuộc nghiên cứu mới, chỉ ra rằng ở những người có trí nhớ làm việc tốt hơn, nơron phát triển ở hồi hải mã (hippocampus) ít hơn. Hồi hải mã là vùng não liên quan đến những thông tin của bộ nhớ. Nó “giúp họ sớm quên đi những thông tin cũ, không cần thiết hơn, đồng thời nhanh  chóng tiếp nhận những thông tin mới hơn”. Các nhà nghiên cứu từng tin rằng sự phát triển của những nơron mới ở hồi hải mã, được biết đến như sự hình thành thần kinh, là có lợi cho trí nhớ.

 

Nhưng khi Malleret (ĐH Columbia) và các đồng sự tiến hành thí nghiệm ở động vật bằng cách gây ức chế sự hình thành nơron thần kinh ở hai nhóm chuột riêng rẽ, kết quả cho thấy sự làm việc của bộ nhớ được cải thiện. Ký ức “ngắn hạn” là phần chứa một lượng thông tin hạn chế liên quan đến những công việc cần làm ngay. 

 

Lũ chuột phải đi tìm thức ăn trong một mê cung. Những con có đã bị ức chế hình thành nơron thần kinh kiếm được những cơ hội tốt hơn và nhanh chóng tìm thấy thức ăn hơn.

“Chúng tôi thấy ngạc nhiên khi việc dừng sự hình thành nơron thần kinh lại gây ra một

sự cải thiện như vậy đối với trí nhớ. Điều đó gợi ra hướng suy nghĩ mới: không phải lúc

nào nhớ nhiều cũng là tốt, và quên là một yếu tố rất quan trọng đối với những hành vi cũng như nhận thức thông thường.” Malleret chia sẻ.

 

Các nhà nghiên cứu tin rằng những phát hiện trên có thể thực sự giúp ích cho những cuộc

chiến đấu với sự loạn chức năng bộ nhớ.

 

Trang Đinh

Theo MSN