Nghệ An:

Nhiều người nguy kịch tính mạng do dùng thuốc Nam

(Dân trí) - Ngày 23/9, khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV HNĐK Nghệ An cho biết: Từ đầu tháng 9/2016 đến nay, khoa liên tục tiếp nhận điều trị 3 bệnh nhân bị suy gan cấp do dùng thuốc Nam chữa bệnh, trong đó có 2 trường hợp diễn biến hôn mê gan và tử vong.

Cách đây 4 tháng, bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. (26 tuổi, ở TX Hoàng Mai, Nghệ An) xuất hiện triệu chứng phù nề chân, vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, khó đi lại, lao động.

Qua khám bệnh tại BVHNĐK Nghệ An, bệnh nhân Đ. được xác định bị xơ gan kết hợp bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Khi được các bác sĩ BVHNĐK điều trị tích cực, bệnh nhân đã thuyên giảm, sức khỏe tốt hơn.

“Cuối tháng 8, qua giới thiệu truyền miệng của họ hàng về thầy lang bắt mạch, bốc thuốc chữa xơ gan giỏi trong vùng, với hy vọng sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, tôi lấy 12 thang thuốc Nam về sắc uống. Đến đầu tháng 9, anh rể tôi lên huyện miền núi Qùy Châu lấy thêm mấy thang thuốc cỏ dân tộc nữa.

Sau 11 ngày sắc 2 loại thuốc trên uống liên tục, tôi thấy cơ thể mệt mỏi nhiều, uể oải, bụng chướng, da vàng, mắt vàng nhiều, đi ngoài liên tục nên phải nhập viện điều trị”, bệnh nhân Đ. chia sẻ.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc BVHNĐK Nghệ An.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc BVHNĐK Nghệ An.

Tại bệnh viện, chị Đ. được bác sỹ chẩn đoán bị xơ gan mãn. Tiếp tục theo dõi và các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị ngộ độc dẫn đến suy gan do dùng thuốc Nam, kết hợp bệnh lý về máu. Hiện tại, tiên lượng bệnh của chị Đ. rất nặng, cần thăm khám thường xuyên và điều trị tích cực.

Cũng trong tháng 9, khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhân là Quách Thị L. (22 tuổi, TX Hoàng Mai, Nghệ An) và Nguyễn Thị B. (63 tuổi, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Cùng từng có tiền sử dùng thuốc Nam theo lời đồn thổi “thuốc tốt” để điều trị bệnh lý về gan, 2 bệnh nhân nhập viện với chỉ số men gan cao, suy gan.

Dù đã được áp dụng kỹ thuật lọc máu, thay huyết tương liên tục, nhưng do tình trạng nhiễm độc của cả 2 bệnh nhân L. và B. quá nặng, diễn biến xấu, hôn mê gan và không qua khỏi.

Bệnh nhân L. tử vong đầu tháng 9 sau 4 ngày điều trị tích cực; đến ngày 18/9, sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân B. cũng không thoát “cửa tử” dù đã được các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực chống độc cố gắng cứu chữa.

Trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc thuốc Nam nặng, BS. Trần Văn Thảnh - Khoa Hồi sức tích cực chống độc nhận định: Điều khó khăn khi điều trị ngộ độc thuốc Nam là không có thuốc đặc hiệu. Ngộ độc thuốc nam hầu hết xảy ra từ từ, có người uống tới cả chục thang mới có biểu hiện nhiễm độc nên đa số người bệnh khi đến viện cấp cứu đã bị nặng do chất độc tích tụ trong cơ thể lâu. Thêm nữa, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn, khi gan bị suy nặng nên điều trị rất khó khăn.

Theo BS. Thảnh, khi sử dụng thuốc nam điều trị bệnh có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc và dẫn đến hậu quả chết người khi người bệnh sử dụng tùy tiện, lạm dụng và dùng thuốc một cách thiếu hiểu biết, không khoa học.

Để tránh ngộ độc do thuốc Nam, bệnh nhân nên khám và bốc thuốc tại các cơ sở tin cậy, có giấy phép hành nghề và khi dùng thuốc tuân thủ theo chỉ định của lương y. Đơn thuốc phải ghi thành phần thuốc, hàm lượng thuốc, cũng như liều lượng sử dụng. Đặc biệt cần lưu ý tránh chữa bệnh theo phương thức truyền miệng thiếu cơ sở khoa học.

Hoàng Yến