Bạc Liêu:

Nhiều nạn nhân tai nạn giao thông “chết oan” do không được sơ cứu ban đầu

(Dân trí) - “Khi tai nạn giao thông xảy ra, hầu hết nạn nhân đều được chuyển thẳng đến các cơ sở y tế mà không được sơ cứu ban đầu. Và điều này dẫn đến thực trạng nhiều nạn nhân bị “chết oan””, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu nhận định.

Hàng chục chiến sĩ, lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cùng tham gia lớp tập huấn “kỹ năng sơ cấp cứu” do Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng Ban An toàn giao thông tỉnh Bạc Liêu tổ chức trong 2 ngày 24 - 25/10.

Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu: Tai nạn giao thông khiến nhiều người thương vong, tuy nhiên nếu chúng ta biết cách sơ cấp cứu kịp thời sẽ góp phần giữ mạng sống cho nạn nhân.
Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu: "Tai nạn giao thông khiến nhiều người thương vong, tuy nhiên nếu chúng ta biết cách sơ cấp cứu kịp thời sẽ góp phần giữ mạng sống cho nạn nhân".

Tại lớp tập huấn, Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Ban An toàn giao thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, vấn đề tai nạn giao thông (TNGT) vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội dù tình hình TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí.

Theo Đại tá Thật, nếu chúng ta biết cách sơ cấp cứu kịp thời sẽ góp phần giữ mạng sống cho nạn nhân TNGT.

“Khi tai nạn giao thông xảy ra, hầu hết nạn nhân đều được chuyển thẳng đến các cơ sở y tế, bệnh viện mà không được sơ cứu ban đầu hoặc nếu được sơ cứu thì chất lượng cũng rất thấp. Và điều này dẫn đến thực trạng nhiều nạn nhân bị tai nạn giao thông “chết oan” do không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu nhận định.

Đại tá Ngô Thành Thật cho biết, theo thống kê, gần 100% các nạn nhân chấn thương sọ não đều bị chấn thương đốt sống cổ. Tuy nhiên, rất ít người cứu hộ ban đầu có kỹ năng phát hiện chấn thương này.

“Khi thấy người bị nạn, người dân thường bế nạn nhân lên xe đưa đi cấp cứu gây gãy cột sống, rất nguy hiểm. Với những trường hợp chấn thương đốt sống cổ, khi bị vác, xốc ngược sẽ gây đứt tủy sống, dẫn đến tử vong ngay lập tức hoặc bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không thể phục hồi”, Đại tá Thật nêu hậu quả.

Chủ động ứng cứu nạn nhân

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm, nước ta có khoảng 50.000 người bị thương do TNGT cần sơ cấp cứu và 11.000 - 12.000 trường hợp tử vong.

Trước thực trạng nói trên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc trang bị những kiến thức cơ bản về công tác sơ cấp cứu cho nạn nhân bị TNGT là rất cần thiết cho cộng đồng, đặc biệt là lực lượng trực tiếp tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông như cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông, công an các địa phương,… để có thể chủ động và sẵn sàng ứng cứu, nhằm giảm thương vong cho nạn nhân.

Báo cáo viên của Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bạc Liêu đang thực hiện các thao tác cứu người để trang bị cho lực lượng công an, cảnh sát làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tỉnh Bạc Liêu.
Báo cáo viên của Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bạc Liêu đang thực hiện các thao tác cứu người để trang bị cho lực lượng công an, cảnh sát làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tỉnh Bạc Liêu.

Ghi nhận của PV Dân trí, tại lớp tập huấn, các học viên là các chiến sĩ công an, lực lượng tham gia được báo cáo viên của Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bạc Liêu truyền đạt những kiến thức sơ cấp cứu rất thực tế.

Các học viên được học các kỹ năng như: Di chuyển nạn nhân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm không thể kiểm soát được; vận chuyển nạn nhân an toàn trong các trường hợp tổn thương; sơ cứu bất tỉnh ngừng thở với phương pháp hô hấp nhân tạo; sơ cứu chảy máu; sơ cứu tổn thương phần mềm; sơ cứu tổn thương xương khớp; sơ cứu đuối nước;…

Theo một số học viên, việc được trang bị những kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu như nói trên cho lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là rất thiết thực, nhiều bổ ích.

Huỳnh Hải