Nhiều mánh để trẻ béo giả

Sau vụ "bác sĩ nhi hại bệnh nhi" vừa bị phát giác tại TPHCM, nhiều thông tin cho thấy không chỉ lạm dụng Dexamethasone mà còn có rất nhiều thủ đoạn lạm dụng thuốc kích béo, kích thích thèm ăn, làm người bệnh mập giả tạo.

Ngụy tạo thuốc kích béo ở... vỏ viên thuốc

 

Đây là mánh của nhà sản xuất loại thuốc Tăng Phì hoàn, nhập khẩu từ Malaysia. Thời gian trước đây, đột nhiên nhu cầu sử dụng thuốc Tăng Phì hoàn tăng lên rất cao. Nhiều người dân truyền tụng khả năng làm kích thích thèm ăn và tác dụng tăng cân của thuốc này. Xét nghiệm thấy thành phần thuốc không có gì khác lạ.

 

"Viện kiểm nghiệm tập trung kiểm tra và cuối cùng mới phát hiện nhà sản xuất đã cho vào Dexamethasone, dùng để trị dị ứng, hen phế quản, thấp khớp..., có phản ứng phụ là giữ nước, làm béo giả tạo ở... vỏ nang thuốc. Nhà sản xuất đã lợi dụng thói quen chỉ xét nghiệm thành phần "ruột" của thuốc" - phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Việt Hùng nói.

 

Kê cả liều đúp

 

Trong khi đó thị trường xuất hiện vô số loại thuốc kích thích thèm ăn, thuốc "béo". Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang thừa nhận ở nhiều vùng nông thôn, phổ biến chuyện bà con truyền miệng rủ nhau mua loại thuốc có chứa Dexamethasone về uống cho... béo. Ở một số tỉnh miền núi Tây Bắc, bà con đua nhau gửi mua lọ thuốc vỏ màu vàng, dạng xirô, uống vào thấy béo lên rõ rệt nhưng cứ ngưng thuốc là đâu lại hoàn đấy.

 

Còn ông Nguyễn Việt Hùng cho biết để chắc ăn, có bác sĩ còn kê liều đúp, gồm cả Dexamethasone và Cyproheptadine (cũng là loại thuốc có tác dụng phụ là kích thích thèm ăn, nhưng không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi) cho bệnh nhân!

 

Bà Lê Thị Hải (Trung tâm Phòng chống suy dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng) thừa nhận ngay cả các bác sĩ cũng lạm dụng thuốc kích thích thèm ăn cho trẻ. Có những đơn thuốc có tới 2-3 loại thuốc cùng tác dụng bổ sung vitamin, kích thích tiêu hóa.

 

Theo thứ trưởng Quang, bổ sung vitamin là cần thiết cho những trường hợp mất cân bằng dinh dưỡng, nhưng không nên tùy tiện bổ sung bởi có những loại vitamin không được uống liều quá cao vì sẽ phản tác dụng.

 

Dexamethasone trong cả thuốc “dân gian”

 

Không chỉ Tăng Phì hoàn, 1/7 loại thuốc giả phát hiện được trong mười tháng đầu năm 2007 là "Dân tộc cứu nhân vật" có tới bốn loại tân dược bên trong, trong đó có cả Dexamethasone làm người bệnh béo giả tạo. Điều đó cho thấy sự phổ biến của việc bổ sung hoạt chất này tại thị trường thuốc "dân gian".

 

Theo ông Quang, đây là loại thuốc chống viêm, sử dụng chung với kháng sinh trong trường hợp có viêm nhiễm với liều cân nhắc. Trường hợp không có bệnh gì, tuyệt đối không nên uống vì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hệ miễn dịch, xương, gây rối loạn sắc tố da...

 

"Trường hợp bác sĩ nhi hại bệnh nhi vừa rồi ở TPHCM, theo tôi, không được xử nhẹ, không chỉ xử lý về mặt nghề nghiệp mà phải xử lý trước pháp luật. Họ đã lợi dụng tác dụng giữ nước của Dexamethasone lừa đảo người dân", ông Quang nhấn mạnh.

 

Hôm 7/12, Cục Quản lý dược cũng đã có văn bản gửi các sở y tế cảnh báo hiện tượng lạm dụng Cyproheptadine trị chứng lười ăn ở trẻ em, trong khi loại thuốc này không được sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi.

 

Theo ông Hùng, đã rộ lên từ lâu việc sử dụng Dexamethasone và Cyproheptadine trị chứng biếng ăn, gầy ốm, trong khi đây là loại bệnh có cả nguyên nhân bệnh lý và tâm lý, cần có sự thăm khám, xét nghiệm kỹ lưỡng của thầy thuốc trước khi điều trị cho trẻ.

 

Chưa kể ở nhiều vùng, do thiếu hiểu biết và chưa có cơ sở điều trị các bệnh liên quan đến dinh dưỡng, cha mẹ các bé cũng tự tìm "thuốc" điều trị gây nhiều tác hại cho sức khỏe của trẻ.

 

Theo Lan Anh

Tuổi trẻ