Miền Bắc:

Nhiều bệnh nhân nghi tay - chân - miệng

(Dân trí) - Nửa đêm, thấy con sốt li bì, miệng nôn trôn tháo, ở lòng bàn tay xuất hiện những nốt nhỏ, chị Nguyễn Thuý Nga (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) vội đưa con đến BV Nhi T.Ư khám. BS khám và kết luận: Nghi tay - chân - miệng.

Rất dễ lây lan

Được bác sĩ kê thuốc uống và thuốc bôi tại chỗ, dặn dò cách ly tránh lây lan và cho xuất viện, chị không khỏi lo lắng cho cô nhóc là chị em sinh đôi với bé bị bệnh đang ở nhà. Dù đã cẩn thận cho con ngủ phòng riêng, rồi khi sang cho bé không bị bệnh bú, chị đã cẩn thận lau rửa đầu ti, rửa tay, dùng đồ cá nhân riêng cho mỗi bé nhưng sau 3 ngày, khi cô chị đã đỡ hơn thì cô em bắt đầu có hiện tượng sốt cao, nôn trớ, đi ngoài và ở miệng, tay cũng xuất hiện nốt trợt đỏ.

Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết: "Tại viện, tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng rải rác cũng có những bệnh nhi bị tay chân miệng đến khám".

Đây cũng là thời điểm mà bệnh này xuất hiện mạnh, đặc biệt là khu vực phía Nam. Theo dịch tễ học, tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm, ở hầu hết các địa phương trong cả nước, tập trung vào hai mùa từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Căn bệnh này không chỉ hay gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn mà có thể gây bệnh ở mọi đối tượng. Tuy tất cả mọi người đều có cảm nhiễm với vi rút gây bệnh tay - chân - miệng nhưng không phải tất cả mọi người nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh. Bệnh có bùng phát hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, sức đề kháng của mỗi người.

Quan trọng nhất là vệ sinh sạch sẽ

Theo PGS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo: "Bệnh tay - chân - miệng rất dễ lây lan rộng, vì cơ chế lây truyền bằng đường “phân-miệng” và tiếp xúc trực tiếp. Trong đó, chủ yếu là lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà,….

Đặc biệt khi bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp thì việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan trực tiếp từ người sang người. Thời gian lây nhiễm từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi hết loét miệng và các phỏng nước, thường dễ lây nhất trong tuần đầu của bệnh. Bệnh nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác; che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để vi rút lây lan sang người khác.

Để tránh lây lan, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: như rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh răng miệng, thông gió nhà cửa hàng ngày. Che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để vi rút lây lan.

Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có thuốc kháng vi rút đặc hiệu điều trị bệnh mà chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng để hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên. Vì thế, khi bị bệnh, cần cách ly để tránh lây lan, dùng thuốc hạ sốt nếu sốt cao, bù nước và điện giải, cho ăn đủ chất (nấu kỹ và dễ tiêu) để tránh suy kiệt, không dùng thuốc cầm đi ngoài, tắm rửa bằng nước ấm. Bệnh sẽ khỏi sau 3 - 7 ngày. Chỉ khi trẻ hết hẳn các triệu chứng (sốt, đi ngoài, nổi ban) thì mới ngừng cách ly.

Căn bệnh này cũng chưa có vắc xin phòng ngừa, do đó biện pháp quan trọng bậc nhất vẫn là giữ vệ sinh sạch sẽ. Mỗi người nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt trước khi ăn uống, chuẩn bị đồ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau mỗi lần thay tã cho trẻ; Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng chloraminB.

Khi có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối đặc biệt kèm theo biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (>=39,50C), thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Hồng Hải