Nhiễm giun ở trẻ: Khó phát hiện!

Gần đây, các bệnh viện (BV) Nhi Đồng tại TP HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhiễm giun nhập viện với biến chứng nặng.

Khó xác định thủ phạm

 

Tại BV Nhi Đồng 1, bệnh nhi N.L.N.H, 7 tuổi, nhà ở quận 8, nhập viện vì đau bụng. Khoảng một tháng trước khi nhập viện, thỉnh thoảng em bị đau bụng âm ỉ, đau vùng thượng vị từng cơn kèm theo ói 1 - 2 lần trong ngày làm em chẳng buồn ăn.

 

H. được đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không giảm, làm nhiều xét nghiệm nhưng vẫn không xác định được bệnh. Những ngày sau, tình trạng vẫn không giảm, các cơn đau bụng ngày càng nhiều hơn, ăn không tiêu, kém ăn, sụt cân rõ.

 

Sau khi được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, siêu âm bụng, chẩn đoán hình ảnh chụp cắt lớp điện toán vùng bụng giúp xác định được tổn thương gan. Bệnh nhi được chẩn đoán bệnh u gan do sán lá gan và được điều trị bằng thuốc đặc hiệu.

  

Còn bệnh nhi N.T.H.H, 11 tuổi, ngụ tại Củ Chi, nhập viện Nhi Đồng 2 với lý do đau đầu. Trước khi nhập viện 3 tháng, bé đau đầu âm ỉ ở vùng trán, hai thái dương. Cơn đau ngày càng tăng dần cả ngày lẫn đêm. Bé đã được điều trị nhiều loại thuốc giảm đau ở địa phương nhưng không đỡ. Sau khi nhập viện, nhờ vào xét nghiệm miễn dịch ELISA, các bác sĩ phát hiện ký sinh trùng lạc chủ, giun đũa ký sinh ở chó - Toxocara canis.

 

Khoa Nội Thần kinh BV Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận bệnh nhi bị nhiễm giun chó 9 tuổi từ Bình Thuận trong tình trạng co giật và nói nhảm. Ba năm trước, bé xuất hiện nhiều cơn co giật toàn thân, được chẩn đoán và điều trị căn bệnh động kinh. Nhưng càng về sau, bé càng co giật nhiều hơn, xuất hiện triệu chứng nói nhảm kèm theo rối loạn hành vi. Sau khi nhập viện, bé nói nhiều liên tục, co giật toàn thân 2 - 3 lần/24 giờ.

 

BV Nhi Đồng 2 cũng từng ghi nhận bệnh nhi K., 7 tuổi, ở Tây Ninh, bị nhiễm giun chó từ khi mới 4 tháng tuổi. Bụng cháu cứ to dần, mặc dù đi nhiều nơi khám bệnh, với chẩn đoán bệnh khác nhau và chạy chữa mất nhiều tiền nhưng không khỏi. Đến năm lên 7, chân tay cháu teo rút lại, bụng phình trướng chèn lên phổi khiến K. khó thở, đi lại khó khăn. Các bác sĩ phẫu thuật đã phát hiện gan bệnh nhân có rất nhiều kén bám chặt, lấy dịch trong kén đi xét nghiệm phát hiện nhiều trứng giun đũa chó.

 

Thận trọng với chó, mèo

 

Hiện ở nước ta ước tính cứ 10 người có tới 7 - 8 người có mang giun, sán trong bụng. Còn tình trạng nhiễm giun đũa chó Toxocara canis ước đoán, tỉ lệ người bị nhiễm ở Việt Nam là 5%. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng Khoa Nội Tổng quát 1, BV Nhi Đồng 1, cho biết trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm và thường bị nhiễm nhiều loại giun cùng một lúc.

  

Các chuyên gia ký sinh trùng thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM cũng cảnh báo hiện nay thói quen nuôi chó phổ biến càng khiến nguy cơ nhiễm giun đũa chó Toxocara canis tăng lên, đặc biệt ở trẻ em, vì hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ còn yếu. Người bị nhiễm Toxocara canis thường là trẻ hay nghịch đất, chơi với chó, người lớn làm những công việc từng tiếp xúc với chó.

 

Đối với những chú chó mang Toxocara canis, trứng của loại giun này chủ yếu tập trung ở mắt, mũi, miệng, hậu môn... Nếu bế bồng, hôn hít chó, rất dễ bị nhiễm ấu trùng giun. Khi nhiễm, giun đũa chó, mèo có thể gây ra rất nhiều bệnh. Với hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng, bệnh nhân có thể bị xuất huyết da (bầm, nổi mề đay, nổi cục u ở da, sưng phù), ho kéo dài, mắc các biểu hiện thần kinh (đau đầu, động kinh, cử động bất thường, rối loạn hành vi, yếu liệt tay chân), đau khớp, sốt, ói... Trẻ từ 4 - 12 tuổi thường mắc bệnh có liên quan đến thần kinh do nhiễm giun đũa chó, mèo.

  

Khi bị nhiễm giun

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, khi nhiễm giun, trẻ bị rối loạn tiêu hóa làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, mặt khác lại còn phải chia bớt thức ăn cho những vị khách không mời này nên trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

 

Trẻ biểu hiện kém ăn, gầy ốm, xanh xao, hay đau bụng vùng quanh rốn, buồn nôn, có khi nôn ra thức ăn, nôn ra cả giun. Khi bị nhiễm giun đũa quá nhiều có thể gây tắc ruột, hoại tử ruột, giun chui lên đường mật gây viêm nhiễm đường mật, chảy máu đường mật, áp-xe gan, viêm tụy và có thể nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

 

Còn giun kim có thể gây viêm ruột thừa và chui từ hậu môn sang âm đạo gây viêm âm đạo ở trẻ em gái. Giun móc, giun tóc làm cơ thể mất máu nhanh chóng. Nếu trẻ bị nhiễm cả 3 loại giun trên, hậu quả mất chất dinh dưỡng, mất máu còn nghiêm trọng hơn, cơ thể suy sụp nhanh chóng.

 

Theo Tịnh Minh

Người lao động

 

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ