Nhiễm độc thủy ngân do trám răng

Các nha sĩ và người đi trám răng rất dễ bị nhiễm độc thủy ngân từ Amalgam. Thuốc này đã được dùng trong nha khoa từ 200 năm nay và hiện vẫn có mặt trong 80% các vật liệu trám răng.

Ở Việt Nam, Amalgam vẫn đang được sử dụng rất phổ biến.

Hơi thủy ngân có thể bốc lên từ các lọ chứa không đủ độ kín. Các giọt thủy ngân cũng có thể bị rơi vãi khi điều trị trám răng bằng Amalgam. Một nghiên cứu trên gần 300 nha sĩ lứa tuổi 54 không hề có triệu chứng nhiễm độc thủy ngân cho thấy, 13% có nồng độ thủy ngân cao, gần 2% có hội chứng Carpal Tunnel (thủy ngân hủy hoại một phần cổ tay, ảnh hưởng đến hoạt động bàn tay và ngón tay) và hơn 2% có viêm đa thần kinh làm giảm vận động và cảm giác.

Thủy ngân là kim loại lỏng bay hơi ít ở nhiệt độ thường. Nhiệt độ càng cao, thủy ngân càng dễ bay hơi. Hơi thủy ngân nặng hơn không khí 2 lần; nó có thể theo không khí, bám vào quần áo, bay từ phòng này sang phòng khác. Thủy ngân xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, qua da (kết hợp với acid lớp dưới mỡ da để thành muối hòa tan vào máu), đường tiêu hóa...

Triệu chứng trúng độc thủy ngân

Cấp tính (nhiễm độc ngay liều cao): Viêm miệng (nướu co rút, răng lung lay), tiêu chảy, đau bụng, toàn thể suy nhược (giảm thị lực, nhạy cảm ánh sáng), suy sụp tinh thần (hay lo sợ, dễ bị kích thích, khó chịu, mất khả năng tập trung và phán đoán suy luận). Chức năng thận bị rối loạn; thận có thể bị hoại tử gây tắc tiểu tiện và dẫn đến tử vong. Lượng thủy ngân tích tụ ở thận rất cao (70% lượng thủy ngân vào cơ thể), kế đến là ở gan.

Mạn tính: Triệu chứng khác nhau tùy cường độ nhiễm độc. Nếu liều cao, thủy ngân xâm nhập đến tổ chức ở cơ quan tiêu hóa. Nếu nồng độ nhỏ nhưng tiếp xúc liên tục trong thời gian dài (vắt thủy ngân trám Amalgam), nó sẽ có tác động lên hệ thần kinh trung ương. Nếu nhiễm độc do hợp chất thủy ngân (clorua - xyanua… nitrat), chất này sẽ gây thay đổi tính thẩm thấu của tế bào, phân tán trong các mô tế bào, gây rối loạn biến dưỡng. Hơi thủy ngân tác động lên hệ thần kinh. Việc nuốt phải thủy ngân sẽ ảnh hưởng đến thận và ruột.

Các biểu hiện nhiễm độc mạn tính gồm: miệng có vị kim loại, ứa nhiều nước bọt, nhai đau (do tủy bị kích thích), chân răng ở phần gần cổ răng có màu xanh. Nướu sưng, có khi loét, viêm răng hàm, sung huyết ở nướu và họng. Nhiễm độc liều lượng nhỏ dẫn đến chảy máu chân răng. Tuyến dưới hàm và mang tai sưng đau, làm tiêu hóa kém, đôi khi gây viêm dạ dày và viêm đại tràng mãn tính. Chức năng gan bị rối loạn.

Trong dịch vụ trám răng bằng Amalgam, thủy ngân sẽ xuyên qua ống ngà đến buồng tủy răng kể từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 7. Cơ chế và tình trạng hóa học của hiện tượng này chưa rõ.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy thủy ngân ở vùng màng nha chu, mô tế bào và trong máu, nước tiểu của bệnh nhân trám răng nhưng không thấy ở thận và các cơ quan xa khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy miếng trám Amalgam sau đó vẫn tiếp tục bốc hơi thủy ngân và họ tìm thấy thủy ngân trong nước bọt, mô tế bào và dịch cơ thể. Sự phóng thích này kéo dài trong vài ngày và có thể tiếp tục trong một thời gian dài.

Sau trám Amalgam, nha sĩ nên khuyên bệnh nhân nhai kẹo cao su để có thể lấy đi phần nào thủy ngân phóng thích từ răng trám.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống