Nhân viên y tế cũng cần chăm sóc sức khỏe tâm thần, cấp cứu trầm cảm

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM cho biết, một số bệnh viện tại địa phương sẽ được thiết lập phòng nghỉ ngơi, cung cấp không gian cho nhân viên y tế giải tỏa căng thẳng, chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã ký Biên bản ghi nhớ với tổ chức Family Health International (FHI 360) trong việc phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) cho nhân viên y tế trên địa bàn.

Theo đó, thời gian tới Sở Y tế sẽ cùng với tổ chức trên thực hiện một số hoạt động sau dành cho nhân viên y tế.

Có thể kể đến như tập huấn nâng cao năng lực của lãnh đạo, quản lý ngành y tế trên địa bàn TPHCM, tăng cường nhận thức về vai trò của SKTT đối với nhân viên y tế, các phương thức xử lý và vượt qua căng thẳng.

Nhân viên y tế cũng cần chăm sóc sức khỏe tâm thần, cấp cứu trầm cảm - 1

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM và đại diện các bệnh viện ký Biên bản ghi nhớ với Tổ chức FHI 360 về phối hợp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế (Ảnh: Sở Y tế).

Mỗi bệnh viện sẽ cử một nhân sự của phòng công tác xã hội, quản lý chất lượng hoặc điều dưỡng, với vai trò nhân viên phối hợp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế.

Các nhân sự này được đào tạo, tập huấn nhận biết, đánh giá sàng lọc, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về SKTT và quản lý, chăm sóc SKTT nhân viên y tế tại đơn vị.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ xây dựng, phát triển các tài liệu và sổ tay truyền thông, hướng dẫn công tác chăm sóc SKTT, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng nhận biết và hỗ trợ sàng lọc, can thiệp đối với nhân viên y tế có rối loạn SKTT.

Ngoài ra, mạng lưới hệ thống "Cấp cứu trầm cảm" dành cho nhân viên y tế sẽ được nhân rộng, để hỗ trợ tâm thần khẩn cấp, hỗ trợ khám sàng lọc, tư vấn từ xa, thông qua hệ thống kênh tổng đài và đường dây nóng.

Một số bệnh viện cũng sẽ được thiết lập phòng nghỉ ngơi, cung cấp không gian cho cán bộ, nhân viên y tế giải tỏa căng thẳng, ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình, cũng như tiếp cận các nguồn lực hình thành mạng lưới chăm sóc SKTT.

Nhân viên y tế cũng cần chăm sóc sức khỏe tâm thần, cấp cứu trầm cảm - 2

Điều dưỡng là đối tượng dễ mắc hội chứng "burned-out" (Ảnh minh họa: BV).

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế địa phương mong muốn trong thời gian tới, công tác phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc SKTT cho nhân viên y tế ngày càng được đẩy mạnh.

Điều này vừa để nhân viên y tế, người lao động làm việc trong ngành y kiểm soát căng thẳng và cân bằng cảm xúc, đồng thời triển khai có hiệu quả công tác sàng lọc, phát hiện và dự phòng sớm các vấn đề SKTT cho nhân viên, người lao động công tác trong ngành y tế.

Qua đó, góp phần quan trọng giúp đảm bảo nguồn nhân lực ngành y tế trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Theo Sở Y tế TPHCM, trong thời gian chiến đấu với đại dịch Covid-19 ở giai đoạn đỉnh điểm, có rất nhiều nhân viên y tế bị hội chứng "burned-out" (được hiểu là sự suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng).

Tại thời điểm tháng 10/2021, kết quả khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương trên 466 nhân sự tại đây cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm là 23,6%; lo âu là 42,9% và stress là 17,6%.

Phân tích nguyên nhân cho thấy, hơn 57% nhân viên bệnh viện đã trải qua nhiều biến cố là vì phải chứng kiến người thân/bạn bè mất vì Covid-19; hơn 53% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế; hơn 70% nhân viên cho biết người thân mất việc làm…

Do đặc thù của tính chất nghề nghiệp, điều dưỡng là đối tượng dễ mắc hội chứng "burned-out".

Sở Y tế TPHCM cho biết, mặc dù hội chứng trên có thể được can thiệp điều trị tích cực, nhưng ngăn chặn nó ngay từ đầu là tốt nhất.

Bệnh viện cần cung cấp chương trình hỗ trợ sức khỏe cho nhân viên, như cung cấp dịch vụ tư vấn của các chuyên gia tâm lý và thần kinh qua điện thoại miễn phí.

Về phía nhân viên y tế, có một số phương pháp để giảm căng thẳng, như giữ cho cuộc sống nghề nghiệp và cuộc sống gia đình tách biệt nhau.

Nên dành thời gian cho việc tự chăm sóc bản thân bằng cách duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ. Song song đó, có thể tận hưởng sở thích và đầu tư vào các kỹ thuật thư giãn, như thiền hoặc viết nhật ký.